Xã hội
Cần can thiệp, tư vấn tâm lý sớm khi có dấu hiệu trầm cảm
ĐNO - Hiện nay, nhiều người gặp phải những vấn đề về tâm lý do áp lực cuộc sống, dẫn đến các biểu hiện tiêu cực xảy ra không ít, bất kể mọi lứa tuổi. Bởi vậy, việc tư vấn tâm lý, hỗ trợ họ vượt qua áp lực trong cuộc sống có vai trò rất quan trọng để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Tập huấn kỹ năng phát hiện người có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm cho Tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn quận Thanh Khê |
Chị H.V (41 tuổi) tự tìm đến Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng (Trung tâm) với mong muốn được hỗ trợ do kiệt quệ về sức khỏe thể chất và tinh thần, áp lực về kinh tế trong việc nuôi con, đặc biệt cảm giác dằn vặt bản thân vì đã đầu tư không tốt dẫn đến nợ nần, không đủ điều kiện chăm sóc con tốt. Đồng thời, việc con trai út 3 tuổi chưa thể nói được cũng làm chị lo lắng mất ngủ triền miên, khó tập trung trong mọi việc. Chị V có chồng và 5 người con đang tuổi ăn, tuổi học.
Sau khi tiếp nhận thông tin của chị, các cán bộ Trung tâm lắng nghe, chia sẻ, trấn an các cảm xúc chị đang gặp phải. Đồng thời trao đổi, cùng chị sắp xếp định hướng vấn đề khó khăn cần giải quyết, cải thiện về giấc ngủ, tái thiết lập lại thời gian sinh hoạt phù hợp. Đồng thời trong lúc làm tham vấn cho chị cũng hỗ trợ tiếp nhận con chị được trị liệu miễn phí tại Trung tâm. Nhờ vậy, hiện sức khỏe, tinh thần chị V khá ổn định, không còn có những ý nghĩ tiêu cực như trước.
Còn với em H.N (đang học lớp 9 một trường THCS trên địa bàn thành phố) thì H.N được mẹ đưa đến Trung tâm sau vụ việc liên quan đến bạo hành tinh thần tại trường học. Mẹ H.N mong muốn được hỗ trợ tâm lý cho con để hồi phục.
H.N có chơi với nhóm bạn trong lớp, trong một lần mâu thuẫn với bạn trong lớp học thêm, bạn M đã lập nhóm và tẩy chay H.N ra khỏi các bạn trong lớp, đồng thời M còn nhắn tin có những lời lẽ nặng nề, xúc phạm H.N, M cho rằng việc thành tích học tập của H.N trước giờ đều dựa vào mối quan hệ của mẹ. Điều đó làm cho H.N không thể chịu đựng nổi và thường xuyên khóc, muốn ở một mình, không muốn tới trường. Mẹ H.N tìm cớ hỏi mãi H.N cũng không chịu chia sẻ, sau đó thông qua các bạn trong lớp mẹ H.N biết được câu chuyện trên. Sau thời gian 2 tuần cháu H.N buồn bã không thể tới trường, mẹ cũng đã đưa H.N đi thăm khám tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng và được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu, trầm cảm.
Ban đầu, các cán bộ của Trung tâm rất khó tiếp xúc với H.N, tuy nhiên, sau khi trò chuyện và được giải tỏa cảm xúc, H.N đã tái thiết lập các mối quan hệ trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời hướng dẫn H.N kỹ năng phòng ngừa và ứng phó khi có những sự kiện gây căng thẳng lo âu.
Bên cạnh hỗ trợ cho H.N, các cán bộ Trung tâm còn hỗ trợ cho người mẹ về chăm sóc, theo dõi, giám sát để giúp hỗ trợ con. Đồng thời giáo dục tâm lý để mẹ hiểu những phản ứng, hành vi của con trong thời gian này.
Với sự hỗ trợ của mẹ, nỗ lực của bản thân, H.N đã dần đối phó được lo âu, thiết lập được mối quan hệ với bạn bè thân thiết, đến một môi trường học tập mới H.N cũng không phải căng thẳng, quan trọng hơn cả H.N biết cách ứng phó với các tình huống gây lo âu cho mình.
Đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp có vấn về về tâm lý được các cán bộ Trung tâm hỗ trợ. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận và tư vấn hàng chục trường hợp tại văn phòng và thông qua điện thoại 0236.2214668 can thiệp, trợ giúp 10 trẻ gặp khó khăn về giao tiếp, trí tuệ, vận động. Tổng đài vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đến thời điểm báo cáo đã tiếp nhận 2.345 cuộc gọi đến. Đã tư vấn, can thiệp 1.768 ca, gồm: 1.696 ca tư vấn, 68 ca can thiệp hỗ trợ liên quan tới các vấn đề về trẻ em và 4 ca tư vấn hỗ trợ liên quan tới nạn nhân mua bán người. Trong đó, riêng địa bàn thành phố Đà Nẵng có 116 ca tư vấn, 8 ca can thiệp hỗ trợ liên quan tới các vấn đề về trẻ em.
Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Trung tâm cho biết các vấn đề tâm lý có thể được phát hiện và can thiệp sớm và việc hỗ trợ, tư vấn kịp thời sẽ giúp ngăn chặn các vấn đề trở nên nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe.
THU SƯƠNG