Xã hội
Dự án mở rộng Trường Đại học Thể dục thể thao (TDTT) Đà Nẵng: Chậm giải tỏa đền bù, dân gặp khó
Đang thực hiện công tác giải tỏa đền bù tại dự án mở rộng Trường Đại học Thể dục thể thao (TDTT) Đà Nẵng bỗng dưng chủ đầu tư dự án ngưng giải tỏa khiến nhiều hộ dân sống ở khu vực quy hoạch dự án chịu nhiều khổ sở do chưa được bồi thường để an cư.
Gia đình bà Mai Thị Minh Hoa và hàng chục hộ dân ở tổ 129, phường Hòa Minh luôn sống trong cảnh lo âu mỗi khi mùa mưa đến. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Thấp thỏm khi mùa mưa đến
Hơn chục năm nay, gia đình bà Mai Thị Minh Hoa (tổ 129, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) luôn sống trong cảnh nơm nớp lo âu mỗi khi mùa mưa đến. Do nền nhà thấp so với đường chính nên mỗi khi mưa lớn, nhà nào nhà nấy ở khu vực này đều ngập sâu. Nhà đã hư hỏng nhiều chỗ, có thể sập xuống bất cứ lúc nào, nhưng nhiều lần, người dân xin chính quyền địa phương cho sửa lại nhà nhưng không được chấp nhận. Bà Hoa là một trong những hộ dân trong diện giải tỏa của dự án mở rộng Trường Đại học TDTT Đà Nẵng đang sống trong cảnh thấp thỏm vì đi không được, ở chẳng xong.
Theo ba Hoa, chục năm về trước, sau khi có thông báo của chính quyền địa phương về việc thu hồi đất và nhà ở của gia đình để thực hiện dự án mở rộng Trường Đại học TDTT Đà Nẵng, gia đình bà có diện tích đất và nhà 500m2 được áp giá đền bù 600 triệu đồng và ký biên bản nhận 3 lô đất tái định cư tại khu dân cư Phước Lý. Thế nhưng, khi chính quyền địa phương đề nghị người dân đến Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 3 (gọi tắt là Ban 3) nhận tiền bồi thường 80%, nhưng lại nhận được thông báo hết tiền. “Đợi chờ cả chục năm nay vẫn chưa nhận được tiền đền bù, đất tái định cư cũng chẳng thấy đâu. Nếu không giải tỏa nữa đề nghị chính quyền thông báo rõ để dân biết mà làm thủ tục xây dựng, sửa chữa nhà”, bà Hoa bức xúc.
Cùng cảnh ngộ, gia đình ông Trần Thanh Bình (tổ 129, phường Hòa Minh) cũng nhận được thông báo của UBND quận Liên Chiểu về việc thu hồi đất và nhà ở của ông để thực hiện dự án mở rộng Trường Đại học TDTT Đà Nẵng. Cán bộ của thành phố, quận cũng về kiểm đếm, đo đạc rồi… mất hút cho đến nay. Ông Nguyễn Đình Hùng, tổ trưởng tổ 129 cho biết, hiện nay trong khu vực tổ 129 vẫn còn 24 hồ sơ chưa được giải tỏa dứt điểm đối với dự án Trường Đại học TDTT Đà Nẵng. Trong đó, có 9 hộ dân có nhà xuống cấp nghiêm trọng và 4 hộ dân đã nhận tiền đền bù 80%, nhưng còn 20% và đất tái định cư đến nay vẫn chưa thấy. “Một số gia đình ở đây hiện chưa biết đất nhà mình được bồi thường bao nhiêu. Người dân chỉ mong việc bồi thường, giải tỏa được triển khai sớm để an cư nơi mới”, ông Hùng nói.
Giải pháp nào?
Theo Ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) quận Liên Chiểu, việc giải tỏa đền bù đối với dự án Trường Đại học TDTT Đà Nẵng thời điểm năm 2018 trở về trước là do Ban 3 đảm nhiệm. Dự án này có 1.150 hồ sơ phải giải tỏa. Ban 3 đã GPMB được 1.095 hồ sơ; trong đó có 899 hồ sơ đã nhận đủ 100% giá trị bồi thường, 129 hồ sơ mới nhận 80% giá trị bồi thường, 67 hồ sơ đã cưỡng chế thu hồi đất. Số hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng còn lại 55 hồ sơ. Đối với công tác giải tỏa đền bù dự án Trường Đại học TDTT Đà Nẵng từ sau thời điểm 31-8-2018 đến nay, Ban GPMB quận Liên Chiểu được thành phố giao thực hiện công tác này. Đến nay, trong tổng số 55 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng, quận mới chỉ giải tỏa được 1 hồ sơ.
Lý giải về nguyên nhân khiến việc chậm GPMB, ông Huỳnh Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, nguồn kinh phí bồi thường dự án là do chủ đầu tư chi trả (chủ đầu tư là Trường Đại học TDTT Đà Nẵng - PV). Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, dự án không được chủ đầu tư cấp kinh phí bồi thường nên công tác GPMB phải ngưng lại. “Ban GPMB quận đã đôn đốc chủ đầu tư chuyển kinh phí bồi thường cho dự án này. Tuy nhiên, tất cả những đề nghị của quận hiện vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện”, ông Vũ nói.
Được biết, ngày 19-6-2024, Hội đồng đền bù thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư quận Liên Chiểu tiếp tục có báo cáo gửi chủ đầu tư, đề nghị chủ đầu tư dự án sớm chuyển kinh phí để thanh toán dứt điểm đối với 129 trường hợp đã nhận 80% giá trị bồi thường và hộ ông Phạm Việt Đại đã bàn giao mặt bằng, nhưng chưa được nhận tiền bồi thường. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần chủ động phối hợp Ban GPMB quận Liên Chiểu để hoàn thành thủ tục thanh quyết toán đối với các trường hợp đã bàn giao mặt bằng.
Theo ông Vũ, để tiếp tục GPMB đối với 54 hồ sơ còn lại của dự án, quận đã đề nghị chủ đầu tư sớm liên hệ UBND quận để lập các thủ tục bồi thường theo quy định. Theo đó, chủ đầu tư cần có văn bản cam kết liên quan đến kế hoạch vốn bồi thường và cấp kinh phí bồi thường để tiếp tục chi trả cho người dân. Ngoài ra, chủ đầu tư cần liên hệ cơ quan chức năng để lập kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất năm 2024. “Sau khi có kế hoạch sử dụng đất và cấp kinh phí bồi thường, Hội đồng bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư quận Liên Chiểu sẽ tiến hành GPMB theo quy định của dự án này”, ông Vũ cho hay.
TRỌNG HÙNG