Xã hội
Giúp người lao động thoát bẫy "tín dụng đen"
“Tín dụng đen” len lỏi trong đời sống công nhân lao động để lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho người vay và những người liên quan. Để bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, người lao động, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, công đoàn và các cơ quan liên quan có nhiều chính sách, hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn vấn nạn này.
Các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, công đoàn và các cơ quan liên quan có nhiều chính sách, hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn “tín dụng đen” len lỏi trong công nhân, người lao động. TRONG ẢNH: Người lao động đang làm việc tại Công ty TNHH Bao bì Tân Long, Khu công nghiệp Hòa Khánh. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: XUÂN HẬU |
Bài 1: Hệ lụy của “tín dụng đen”
Do khó khăn về đời sống, nhiều công nhân, người lao động phải đi vay nợ từ “tín dụng đen” giải quyết những khó khăn đột xuất trong cuộc sống. Nhận được tiền vay rất nhanh với “thủ tục” rất thoáng cũng là lúc người lao động bắt đầu chuỗi ngày lo lắng, bất an làm sao để trả được nợ. Nỗi lo rồi cũng thành sự thật khi lãi mẹ đẻ lãi con làm cho người lao động mất khả năng trả nợ.
Bị đe dọa tinh thần
Anh L.V. (công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho biết, thời điểm cuối năm 2023, đơn hàng ít, anh bị cắt giảm công việc khiến thu nhập giảm gần 50%. Cần chi phí để trang trải cuộc sống và chi tiêu trong gia đình dịp Tết, anh V. vay 40 triệu đồng qua dịch vụ cho vay trên mạng và phải chịu áp lực rất lớn từ việc trả gốc lẫn lãi gần 3,5 triệu đồng/tháng. “Điều kiện vay của các ứng dụng khá dễ dàng, chỉ cần thẻ căn cước, sau đó điền thông tin theo hướng dẫn và gửi số tài khoản là được giải ngân. Nhưng các app này lại ràng buộc bằng việc truy cập danh bạ. Chỉ cần trả chậm lãi, họ sẽ gọi điện hoặc gửi tin nhắn “khủng bố” những người trong danh bạ điện thoại, đồng nghiệp, gia đình… Nên đến ngày trả nợ, tôi rất áp lực, đặc biệt là những tháng công ty trả chậm lương, phải lo xoay sở để trả lãi vay app”, anh V. chia sẻ.
Thời gian gần đây, ông D.A.D. (quận Liên Chiểu) thường xuyên nhận được những gọi điện thoại đe dọa phải trả khoản lãi cho người bạn mà ông quen biết. Theo ông D., không hiểu sao các đối tượng có được số điện thoại của ông, dù đã trao đổi là việc người bạn vay tiền ông không hề biết và không liên quan. Đồng thời, ông chặn nhiều số liên lạc nhưng vẫn bị gọi điện liên tục ảnh hưởng đến cuộc sống. Chỉ đến khi ông D. phản ứng sẽ nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng thì các cuộc gọi làm phiền mới hết. “Những cuộc gọi bất kể thời gian, có khi tối khuya vẫn gọi, bên đòi nợ chửi bới, đe dọa bằng nhiều lời lẽ rất khó nghe”, ông D. nói.
Trường hợp bà L.T.T (quận Cẩm Lệ) có vay qua ứng dụng cho vay online để chi tiêu cá nhân. Khi đến thời hạn thanh toán, do không có khả năng chi trả nên bà T. tiếp tục vay tiền ở ứng dụng cho vay khác để có tiền trả lãi cho ứng dụng ban đầu. Càng ngày lãi suất càng tăng, bà T. tiếp tục vòng lặp vay tiền ở ứng dụng khác để trả lãi. Dần dần, số tiền cần trả lớn vượt khả năng chi trả của bà. Lúc này, các đối tượng đòi nợ liên tục gọi điện, nhắn tin với lời lẽ đe dọa, xúc phạm. Không chỉ vậy, các đối tượng quấy rối còn tìm được mạng xã hội cá nhân, tìm các hình ảnh của bà T. và gia đình để cắt ghép, bôi nhọ gây ảnh hưởng đến đời sống cá nhân cũng như gia đình bà T. Quá lo sợ, bà T. đã có đơn gửi các cơ quan chức năng mong nhận được sự hỗ trợ.
Liên quan đến vụ việc của bà T., Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Đà Nẵng) đã làm việc với bà, thu thập thông tin, tài liệu cung cấp từ bà T., đồng thời hướng dẫn thực hiện một số biện pháp như: chặn các số điện thoại gọi điện, nhắn tin quấy rối, cài đặt lại Facebook cá nhân sang chế độ riêng tư để tránh bị các đối tượng đăng bài bôi nhọ xúc phạm.
Tiếp tục điều tra xác minh, lực lượng chức năng xác định các đối tượng thực hiện việc đòi nợ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tin nhắn đòi nợ của đối tượng có thể hiện thông tin liên quan Công ty Luật TNHH Power Law có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp trao đổi thông tin vụ việc với Công an quận 12 và Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hành chính Công ty Luật TNHH Power Law (địa chỉ quốc lộ 1, phường An Phú Đông, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh), qua kiểm tra xác định Công ty Luật TNHH Power Law chuyên gọi điện đe dọa, chửi bới, lợi dụng mạng xã hội để khủng bố bằng cách cắt ghép hình ảnh vu khống, đưa thông tin sai sự thật về người vay tiền để đòi nợ. Kết quả, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 13 đối tượng về tội “Vu khống” quy định tại khoản 2, Điều 156 Bộ Luật Hình Sự, đồng thời ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 11 bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối 2 bị can.
Thủ đoạn “tín dụng đen”
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc đóng tiền để giải ngân. Theo đó, các đối tượng lấy lý do thẩm duyệt hồ sơ yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại… dẫn dụ cài đặt ứng dụng độc hại. Các ứng dụng này yêu cầu người vay nợ phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh căn cước. Khi nạn nhân không chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng sẽ gán nợ, đòi nợ những người trong danh bạ hoặc gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ đến những người này, đăng trên các tài khoản mạng xã hội để gây áp lực. Quá trình hoàn tất hồ sơ vay, các đối tượng thông báo nạn nhân đã nhận được tiền nhưng không rút được do “sai thông tin” nên yêu cầu bị hại chuyển tiền xác minh tài khoản. Với thủ đoạn này, nhiều người dân bị mất hết tài sản hiện có mới nhận ra bị lừa. Nhiều trường hợp người dân dù không vay mượn, không bảo lãnh, thậm chí không hề quen biết người vay mượn tiền nhưng lại bị các đối tượng nhắn tin, gọi điện “khủng bố” và thậm chí bị ghép ảnh xúc phạm danh dự nhân phẩm trên các trang mạng xã hội.
Thượng tá Lê Cao Tâm, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, qua rà soát, phát hiện nhiều tài khoản Facebook thường xuyên đăng tải quảng cáo cho vay tại Đà Nẵng, giải ngân nhanh, không cần giấy tờ, không sợ nợ xấu, chỉ cần tài khoản iCloud của thiết bị từ iphone XS Max trở lên. Các đối tượng tuyển chọn nhiều cộng tác viên trên cả nước để thực hiện việc quảng cáo và môi giới cho vay. Các cộng tác viên này sau đó tạo lập và gia nhập các hội nhóm cho vay trên từng địa phương để quảng cáo cung cấp các gói vay cho đối tượng chính. Khi liên hệ làm thủ tục để vay, đối tượng sẽ yêu cầu người vay chụp thông tin thiết bị (tên thiết bị, số seri, mã imei…) và căn cước để định giá khoản vay. Thông thường số tiền giải ngân tương ứng 40% giá trị điện thoại iphone đang sử dụng. Lãi suất khoảng 29%/40 ngày, tương đương 260%/năm. Ngoài ra, hậu quả khi thế chấp cho các đối tượng tài khoản iCloud đồng nghĩa việc toàn bộ thông tin cá nhân được lưu trong thiết bị sẽ được đối tượng thu thập thậm chí sử dụng để đe dọa tống tiền.
Thượng tá Lê Cao Tâm khuyến cáo, người dân không sử dụng dịch vụ vay tiền qua app cho vay online để tránh tiền mất tật mang, bảo vệ tài khoản iCloud của mình để tránh những rủi ro không mong muốn, không để lộ lọt thông tin cá nhân lên môi trường mạng xã hội, không tham gia vay tiền ở các tổ chức không chính thống, chỉ mua hàng trả góp ở các tổ chức uy tín, có liên kết với các tổ chức uy tín.
XUÂN HẬU