Giúp người lao động thoát bẫy "tín dụng đen" - Bài 2: Nâng cao nhận thức người lao động về "tín dụng đen"

.

Để người lao động hiểu rõ bản chất của “tín dụng đen”, nhận diện các phương thức hoạt động, thủ đoạn và tác hại của loại hình cho vay bất hợp pháp này, Công an thành phố cùng các cấp công đoàn, cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.

Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp Công an thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động tại các khu nhà trọ.  Ảnh: X.H
Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp Công an thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động tại các khu nhà trọ. Ảnh: X.H

Tăng cường phối hợp tuyên truyền

Trong năm 2023 và quý 1-2024, các cấp công đoàn thành phố, phối hợp với Công an thành phố tổ chức 452 lớp tuyên truyền cho 54.240 công nhân, lao động nâng cao công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu nhà trọ. Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung cho biết, nhiều công nhân, lao động vì không nắm đầy đủ thông tin, vô tình vướng vào tín dụng đen. Vì vậy, công đoàn tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của tín dụng đen để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác; không để “tín dụng đen” tiếp cận công nhân, lao động. Đặc biệt là những công đoàn cơ sở có đông công nhân, lao động, ở những địa bàn có nhiều hoạt động “tín dụng đen”. Công đoàn tăng cường triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động, như tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ,…

Trước đây, tại Công ty TNHH Foster Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Cầm) với hơn 900 người lao động từng xảy ra vụ việc liên quan đến công nhân vay tín dụng đen bị gọi điện đòi nợ các quản lý công ty. Theo Chủ tịch Công đoàn công ty Bùi Minh Vũ, công ty tăng cường việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của công nhân. Việc tuyên truyền được triển khai đa dạng như trên hệ thống loa phát thanh, tivi tại nhà ăn công nhân, trên mạng xã hội, nhóm zalo quản lý công nhân của công ty. Đồng thời, Công đoàn công ty nắm bắt, lắng nghe, chia sẻ với những khó khăn của người lao động, nâng cao các chương trình phúc lợi để bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Nhờ đó, đến nay tình trạng vướng vào “tín dụng đen” của người lao động công ty đã giảm.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Cẩm Lệ Lê Trọng Nguyên, hiện nay số lượng công nhân, người lao động tạm trú tại các khu nhà trọ trên địa bàn phường Hòa Thọ Tây ngày càng gia tăng; tội phạm tín dụng đen ráo riết hoạt động trở lại với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp và công khai. Từ thực tế đó, giữa tháng 5 vừa qua, LĐLĐ quận Cẩm Lệ và Công an quận đã tổ chức hội nghị ký kết quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, giai đoạn 2024-2029. Hai bên sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội trong công nhân, viên chức, lao động.

Kiên quyết xử lý

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đà Nẵng, những khu vực có đông công nhân, lao động thuê trọ tại quận Liên Chiểu, tình trạng quảng cáo, rao vặt sai quy định lại tái diễn. Đặc biệt, các thông tin liên quan đến cho vay nóng, tín dụng đen được dán chằng chịt trên các trụ điện, tường khu nhà trọ. Vừa qua, Quận đoàn Liên Chiểu tổ chức ra quân đồng loạt tháo gỡ, tẩy xóa quảng cáo, rao vặt sai quy định trên các cột điện, cây xanh, tường nhà tại nhiều tuyến đường, kiệt, hẻm trên địa bàn.

Bí thư Quận đoàn Liên Chiểu Huỳnh Thanh Bình cho biết, hoạt động ra quân xóa bảng quảng cáo, rao vặt trái phép được Quận đoàn triển khai định kỳ vào thứ Bảy, Chủ nhật cuối tháng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, người dán quảng cáo rao vặt trên các khu vực công cộng thường thực hiện vào ban đêm, chính vì thế công tác phát hiện, xử lý cũng gặp khó khăn. Đối với các khu vực có đông công nhân là thanh niên thuê trọ, các công đoàn cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tẩy chay các hành vi quảng cáo, rao vặt trái phép về tín dụng đen.

Tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Công an phường tuyên truyền về tình hình an ninh trật tự, tội phạm công nghệ cao, nhận diện các thủ đoạn “tín dụng đen”, công tác phòng cháy, chữa cháy cho hơn 4.500 lượt người tham gia tại 31 khu dân cư. Theo Trung tá Hồ Duy Linh, Trưởng Công an phường Hòa Minh, các cán bộ, chiến sĩ công an khu vực luôn nắm chắc tình hình địa phương, đặc biệt là những khu vực có đông công nhân, người lao động thuê trọ. Công an phường phối hợp với các chi ủy, ban công tác Mặt trận, đoàn thể khu dân cư làm việc với hơn 400 chủ nhà trọ để tăng cường công tác tuyên truyền. Đồng thời, nêu cao tinh thần người dân phát hiện, tố giác tội phạm, kiên quyết xử lý với những trường hợp tuyên truyền, rao, dán các thông tin về tín dụng đen.

“Khi người dân phát hiện trên địa bàn của mình cư trú có các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thì kịp thời tố giác với cơ quan công an các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các công ty luật núp bóng đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản, cửa hàng cầm đồ, kinh doanh tài chính có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, đối tượng nghi vấn liên quan đến hành vi đòi nợ, đổ chất bẩn, chất thải...”, Trung tá Hồ Duy Linh cho biết.

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về việc chấn chỉnh và tăng cường hiệu lực công tác quản lý hoạt động quảng cáo, rao vặt trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan, doanh nghiệp và người dân, tiến hành xử lý ngừng cung cấp dịch vụ và không cấp lại đối với các số điện thoại quảng cáo, rao vặt sai quy định. Qua đó, góp phần xử lý các số điện thoại trên các quảng cáo cho vay, tín dụng đen.

Tháng 1-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và các đơn vị liên quan triệt phá đường dây cho vay lãi nặng và cưỡng đoạt tài sản 9.000 tỷ đồng. Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đà Nẵng phát hiện một số người dân vay tiền trực tuyến trên mạng qua các app với lãi suất lên hơn 500%/năm. Khi người vay không trả lãi đúng hạn, các đối tượng ghép hình ảnh, nhắn tin, gọi điện để đe doạ, khủng bố tinh thần con nợ và người thân. Sau khi xác minh làm rõ, ngày 20-11-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố xác lập chuyên án để điều tra. Xác định đường dây quy mô lớn, hoạt động trên quy mô toàn quốc, Công an thành phố báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và được Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự cùng phối hợp đấu tranh.

Đến ngày 11-1-2024, Ban chuyên án huy động 250 cán bộ, chiến sĩ của Công an thành phố, Cục Cảnh sát hình sự, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động (Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh), Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Bình Dương đồng loạt đột kích 9 địa điểm hoạt động của các đối tượng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Lực lượng công an bắt giữ đối tượng cầm đầu và tất cả các mắt xích từ trên xuống dưới của đường dây tội phạm này gồm 154 người tại Thành phố Hồ Chí Minh và 39 người tại Bình Dương.

Ký kết quy chế phối hợp giữa công đoàn và công an
Ngày 17-1-2024, Liên đoàn Lao động thành phố và Công an thành phố ký kết quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố giai đoạn mới. Theo đó, trong thời gian đến, hai cơ quan tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực lao động, công đoàn, phòng chống tệ nạn xã hội trong công nhân, viên chức, lao động, bảo đảm an ninh, an toàn các cơ quan công đoàn các cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.

XUÂN HẬU

;
;
.
.
.
.
.