Xã hội
Chấn chỉnh tình trạng lang thang, xin ăn biến tướng
Chương trình “5 không” được chính quyền các cấp nỗ lực thực hiện, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Đặc biệt, tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố giảm mạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng xin ăn biến tướng xuất hiện trở lại làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và trật tự an toàn xã hội.
Tình trạng người lang thang, xin ăn biến tướng, bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách du lịch xuất hiện trở lại tại một số khu vực trên địa bàn thành phố. Ảnh: K.N |
Người lang thang, xin ăn hoạt động trở lại
Ghi nhận tại nhiều hàng quán trên các tuyến đường: Ngô Văn Sở, Hoàng Thị Loan, Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu), Yên Bái, Ngô Gia Tự (quận Hải Châu), khu ăn vặt chân cầu Trần Thị Lý (quận Sơn Trà)... tình trạng buôn bán hàng rong, xin ăn xuất hiện khá nhiều. Chỉ trong một buổi tối, một khách hàng “tiếp” 5-7 người bán vé số, bánh kẹo, kẹp tóc, trái cây… Đa phần người bán là phụ nữ, trẻ em và người già. Có người bị từ chối thì bỏ đi ngay, nhưng cũng có trường hợp nài nỉ, chèo kéo, mời mọc khiến khách hàng cảm thấy khó chịu. Anh N.V.M (quận Sơn Trà) cho biết, anh thường ngồi ăn vặt với bạn bè tại đường Nguyễn Huy Chú (quận Sơn Trà) và hay gặp những người bán hàng rong. “Thỉnh thoảng, tôi mua ủng hộ và cũng có khi từ chối. Nếu không mua thì họ mỉa mai hoặc làm phiền khiến tôi cảm thấy không thoải mái”.
Anh H.B.L, chủ quán ăn vặt dưới chân cầu Trần Thị Lý cho biết, mỗi ngày, quán anh “tiếp” hơn 10 người bán hàng rong thay phiên nhau lui tới. “Người bán hàng rong thường ghé vào giờ cao điểm, quán có đông khách. Chúng tôi cũng ngại nên không nói gì, cứ để họ tự do vào quán, chỉ khi nào khách than phiền, tôi mới đề nghị họ ra ngoài. Nhiều khách hàng tỏ ra khó chịu do người bán chây ỳ, chèo kéo cho bằng được mới chịu bỏ đi chỗ khác”, anh L. nói.
Không chỉ buôn bán hàng rong, ở một số nơi, nhiều thanh niên, người trung niên khỏe mạnh chăn dắt trẻ em, người già, người tàn tật hành nghề ăn xin. Khoảng 18 giờ ngày cuối tháng 5, tại một quán trên đường Ngô Gia Tự (quận Hải Châu), có một bà già 65 tuổi, tay xách giỏ đựng bánh kẹo, kẹp tóc, móc khóa… đi hết các dãy bàn, mời chào từng lượt khách có trong quán. Mỗi món hàng có giá 10.000 - 20.000 đồng. 15 phút sau, xuất hiện 2 anh em (người anh khoảng 20 tuổi, người em khoảng 5-6 tuổi) mời khách dán kính cường lực, mua bánh kẹo các loại. Khoảng 20 giờ 15 cùng ngày, tại quán lẩu & nướng trên đường Hoàng Thị Loan (quận Liên Chiểu), một bé trai khoảng 7-8 tuổi, mặc áo thun màu vàng, xách giỏ bánh kẹo, đi từng bàn và mời khách mua. Ngay sau đó, cậu bé đi bộ đến “điểm hẹn” thuộc đường Hoàng Trung Thông (cách nút giao đường Hoàng Thị Loan khoảng 100m). Tại đây, có 2 người đàn ông (một người mặc áo màu trắng, một người mặc áo màu đen, không đội mũ bảo hiểm) đi xe máy chờ sẵn. Cậu bé nhanh chóng leo lên giữa xe, người đàn ông mặc áo màu đen lập tức chở 2 người còn lại rẽ hướng từ Hoàng Trung Thông - Hoàng Thị Loan rồi di chuyển ngược chiều.
Trong khi đó, khu ăn vặt tại chân cầu Trần Thị Lý, có 3 chị em (7-15 tuổi) đến hầu hết các quán có tại đây và chào bán bánh kẹo cho khách. Một người dân sống trên đoạn đường Nguyễn Huy Chú (quận Sơn Trà) cho biết: “Đêm nào, chị em nó cũng đi bán. Hầu như dạo hết các con đường ở khu ăn vặt rồi đến các quán ăn, quán nhậu và quán cà phê. Trông đáng thương, nên mọi người cũng ủng hộ nhiều”.
Việc đứng giữa ngã ba, ngã tư xin tiền, bán vé số, hay những người già, trẻ nhỏ lang thang, bán hàng rong tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Mặt khác, người bán hàng rong làm mất đi hình ảnh văn minh của thành phố trong mắt du khách. Đáng nói, trẻ em ra đường bán hàng rong đối mặt với muôn vàn nguy hiểm như bị lạm dụng, bóc lột.
Quyết liệt ra quân xử lý
Theo Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Thị Kim Phượng, các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi, khi thấy lực lượng chức năng thì bỏ chạy, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý. “Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên vận động, tuyên truyền và cho các đối tượng viết cam kết không tái phạm; đối với trường hợp ở địa phương khác (đa số là người tâm thần lang thang), chúng tôi liên hệ chính quyền địa phương và gia đình đến bảo lãnh, tuy nhiên, nhiều gia đình không hợp tác, gây khó khăn trong công tác bàn giao đối tượng”, bà Phượng nói.
Từ đầu năm đến ngày 22-5, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà đã xử lý 75 trường hợp bán hàng rong; nhắc nhở 2 trường hợp người nước ngoài giả dạng khuyết tật, xin ăn biến tướng tại khu vực cầu Rồng. Ông Nguyễn Qua, Đội phó Đội Kiểm tra quy tắc quận Sơn Trà cho biết, thời gian tới, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý người lang thang, xin ăn tại các khu vực trọng điểm như: bệnh viện, chợ, địa điểm tập trung khách du lịch (công viên Biển Đông, cầu Rồng, cầu Sông Hàn, các khu vực mua sắm) và tại các tuyến đường có quy định cấm bán hàng rong (Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Hồ Nghinh, Trần Hưng Đạo, Hà Bổng, Dương Đình Nghệ).
Trong khi đó, từ đầu ngày 1 đến 22-5, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu phát hiện, xử lý 3 trường hợp buôn bán hàng rong, chèo kéo du khách tại các điểm tham quan thuộc đường 2 Tháng 9, công viên APEC và đường Trần Văn Trứ. Cũng trong thời điểm trên, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Liên Chiểu xử lý 5 trường hợp xin ăn, đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội thành phố quản lý theo quy định và xử lý 4 trường hợp tâm thần lang thang, đưa vào Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Ông Hà Thúc Liêu, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Liên Chiểu cho hay: “Sau khi bị nhắc nhở, xử lý, các trường hợp này thường đổi địa bàn hoạt động. Vì vậy, chúng tôi chụp ảnh, gửi thông tin cho các quận, huyện trên địa bàn thành phố để không tái diễn tình trạng này”.
Theo Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố, từ đầu năm đến ngày 15-5, đơn vị tiếp nhận 37 trường hợp người lang thang, xin ăn. Theo đó, các đối tượng được nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo quy định. Hằng tuần, trung tâm tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và thể thao nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đăng Hoàng, thời gian tới, sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tổ chức giám sát, theo dõi, ghi hình các tuyến đường, giao lộ ngã tư đèn xanh, đèn đỏ thường xuyên xuất hiện đối tượng lợi dụng khiếm khuyết bản thân, mang theo trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật bán hàng rong; tập trung kiểm tra, theo dõi địa bàn, các khu vực trọng điểm (chợ, các cơ sở tôn giáo, khu du lịch, vui chơi), chú ý tại các vùng giáp ranh; vận động cơ sở kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí, các địa điểm du lịch, đền, chùa... thực hiện cam kết không để đối tượng lang thang, bán hàng rong hoặc xin ăn trong khuôn viên, địa bàn đơn vị kinh doanh, quản lý. Đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn học nghề, giải quyết việc làm và vốn vay ưu đãi để phòng, chống nguy cơ đi lang thang, xin ăn.
KHÁNH NGÂN