Xã hội
Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ - mốc son quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng ở huyện Hòa Vang
Phổ Lỗ Sỹ là chi bộ được thành lập sớm nhất ở Đà Nẵng. Sự ra đời của chi bộ vào năm 1939 như một dấu mốc quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của xã Hòa Khương nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung. Với ý nghĩa lịch sử văn hóa này, ngày 29-12-2008, địa điểm thành lập di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ được UBND thành phố công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. Đến nay, nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” được nhiều tổ chức, đoàn thể, nhất là thế hệ trẻ thường xuyên đến thăm và học tập.
Di tích nơi thành lập Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ. Ảnh: Đ.G.H |
Di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ hiện nằm ở thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố 26km về hướng tây nam. Theo lịch sử địa phương, ngày 28-3-1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam chính thức được thành lập. Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Phan Văn Định làm bí thư. Khi cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam và Xứ ủy Trung Kỳ bị vỡ (tháng 10-1930), phong trào cách mạng trong tỉnh không chìm lắng mà trái lại vẫn được duy trì và ngày một phát triển.
Ở Hòa Vang, quần chúng nhân dân vẫn sẵn sàng hưởng ứng và nguyện đi theo Đảng. Từ cuối năm 1935, tình hình tại xã Hòa Khương có những chuyển biến tốt, nhiều thanh niên tìm hiểu các chủ trương của Đảng, tích cực tham gia hoạt động đấu tranh ở địa phương và trong tổng An Phước, ngày càng trưởng thành trong thực tiễn cách mạng. Do đó, việc thành lập một chi bộ Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng là một yêu cầu tất yếu khách quan.
Tại thời điểm này, tình hình hoạt động của thanh niên các địa phương ở Hòa Vang đã được Đảng bộ tỉnh Quảng Nam chú ý. Đồng chí Trương An - phái viên của Tỉnh ủy - đã nhiều lần gặp gỡ tìm hiểu, bồi dưỡng những thanh niên đã từng hăng hái tham gia các hoạt động trong phong trào đấu tranh công khai ở địa phương như đồng chí Nguyễn Hữu Tú, Nguyễn Như Gia, Nguyễn Lương Thúy thành hạt nhân phong trào. Qua đồng chí Trương An, ba đồng chí trên đã thành lập “nhóm thanh niên Ngã tư” (hay “Chợ Ngã tư”) tại Phú Sơn để sinh hoạt riêng. Sinh hoạt riêng theo nhóm nhưng đồng chí Nguyễn Hữu Tú luôn mong muốn có được một tổ chức Đảng của địa phương mình nên đã dựa theo Điều lệ Đảng tự may cờ đỏ búa liềm để làm nghi thức trong sinh hoạt.
Vào tháng 5-1939, đồng chí Trương An bàn giao nhóm thanh niên này cho đồng chí Ngô Diễn là đặc phái viên của Tỉnh bộ. Sau thời gian tìm hiểu kỹ tình hình phong trào cách mạng và kiểm tra nhóm Thanh niên Ngã tư, đồng chí Ngô Diễn đã công nhận và đổi nhóm thanh niên này thành Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ tại làng Phú Sơn, tổng An Phước, nay là xã Hòa Khương, nơi địa điểm dựng bia ngày nay. Đồng chí Nguyễn Hữu Tú được cử làm bí thư phụ trách chung, đồng chí Nguyễn Lương Thúy phụ trách công tác tuyên truyền và cất giấu tài liệu mật. Đầu năm 1940, chi bộ kết nạp thêm đồng chí Lê Hoàng. Sự ra đời của Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ đánh dấu bước tiến quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng ở huyện Hòa Vang. Tuy mới thành lập với số đảng viên ít, lại chưa có Huyện ủy và sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy không được thường xuyên, nhưng Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ vẫn lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống lại việc làm đường ở Khe Răm (Hòa Bắc), lãnh đạo anh em đi phu ở Bà Nà đòi tăng lương, giảm giờ làm…
Từ sự ra đời chi bộ Đảng đầu tiên - Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ với 3 đảng viên ban đầu, phong trào đấu tranh cách mạng ở xã Hòa Khương nói riêng và trong huyện Hòa Vang nói chung có được sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, ngày càng phát triển sâu rộng và bền chặt trong các tầng lớp nhân dân. Từ nhân tố cách mạng ban đầu đó, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã lãnh đạo quần chúng nhân dân đẩy mạnh các cuộc đấu tranh bằng những phương thức thích hợp, đánh bại những thủ đoạn cướp bóc, đàn áp của thực dân xâm lược. Qua đó, phát triển lực lượng đảng viên, xây dựng các cơ sở đảng trong huyện Hòa Vang. Vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, tinh thần kiên định của các đảng viên là nhân tố quan trọng trong Cách mạng Tháng Tám 1945 lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân, xây đắp nên truyền thống đấu tranh vẻ vang của địa phương.
ĐOÀN GIA HUY