Xã hội

Các địa phương, người dân không chủ quan trước áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão

16:42, 18/09/2024 (GMT+7)

ĐNO - Chiều 18-9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường báo cáo tại cuộc họp trực tuyến.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường báo cáo tại cuộc họp trực tuyến.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, từ 19 giờ ngày 17-9 đến 11 giờ ngày 18-9, trên địa bàn thành phố có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-150mm; một số trạm có lượng mưa lớn hơn 200mm.

Tính đến 9 giờ sáng 18-9, tại các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố có 23 điểm ngập cục bộ, độ sâu ngập từ 20-40cm; thời gian ngập duy trì từ 30-50 phút. Đến nay, các điểm ngập cơ bản đã thoát nước.

Thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thành phố đã triển khai họp Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố để rà soát công tác chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão số 4.

Qua thống kê, tổng số tàu, thuyền trên địa bàn thành phố là 1.159 phương tiện/8.316 lao động; trong đó, có 1.120 phương tiện đang neo đậu; 39 phương tiện/448 lao động đang hoạt động trên các vùng biển.  

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố được giao duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển, thông báo kêu gọi, hướng dẫn vòng tránh không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc vào bờ để trú tránh an toàn.

Các sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai lực lượng, bám sát địa bàn, tình hình diễn biến để có công tác chuẩn bị khi áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão và có ảnh hưởng xấu, tác động đến Đà Nẵng.

Đồng thời, rà soát các phương tiện, trang thiết bị, chuẩn bị lương thực, thực phẩm; chằng chống cây xanh, ăng-ten… bảo đảm an toàn. Lãnh đạo thành phố cũng tổ chức các đoàn kiểm tra công tác ứng phó mưa lớn, áp thấp nhiệt đới tại các khu vực thấp trũng, nguy cơ cao.

Thành phố đang tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến của áp thấp nhiệt đới để có biện pháp xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Đà Nẵng.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Đà Nẵng.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, áp thấp nhiệt đới nếu hình thành bão số 4 được dự báo không lớn về cường độ, sức gió nhưng gây lượng mưa lớn, chủ yếu ở khu vực các địa phương như: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… và có khả năng gây ra lũ lụt.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác chuẩn bị, ứng phó trước, trong và sau bão của các địa phương. Song, bày tỏ sự quan ngại đối với thiệt hại do mưa lớn gây ra lũ lụt, do đó, các địa phương, người dân tuyệt đối không chủ quan trước thiên tai.

Bên cạnh các công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tiếp tục kêu gọi tàu, thuyền di chuyển vào bờ neo đậu an toàn, lưu ý các tàu vận tải cỡ nhỏ tại các cửa sông... tuyệt đối không có tư tưởng chủ quan; rà soát tình trạng ngập lụt và có phương án sơ tán dân, trong đó, các địa phương như Huế, Đà Nẵng cần lưu ý đến vấn đề ngập lụt đô thị.

Đối với các diện tích sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch, cần nhanh chóng có giải pháp thu hoạch với tinh thần “xanh nhà hơn già đồng”, tránh thất thoát, thiệt hại tài sản do bão, lũ gây ra.

Cục Thủy lợi rà soát với các địa phương, có phương án ứng phó sự cố và bảo đảm vận hành hồ chứa.

Các bộ, ban, ngành, địa phương nghiên cứu giải pháp chỉ đạo, huy động và triển khai tốt phương án, lực lượng “4 tại chỗ”, qua đó giảm thiểu thiệt hại thấp nhất.

VĂN HOÀNG

 

.