Xã hội
Cảnh giác chiêu trò đầu tư chứng khoán, đăng ký học cho con trên mạng xã hội
Các đối tượng tội phạm lợi dụng công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Trước thực trạng trên, Bộ Công an, Công an thành phố phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước cảnh báo nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân nhận thức chưa đầy đủ hoặc chưa nhận thức được phương thức thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, thiếu cảnh giác và ý thức tự bảo vệ bản thân khi hoạt động trên môi trường mạng, nên đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Ngày 16-8, Công an phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) nhận tin báo của chị N.T.T.H (45 tuổi) về việc đầu tháng 7-2024, thông qua mạng xã hội facebook, chị quen một người có tên tài khoản là “Trương Đình Trí”. Sau thời gian trò chuyện, tài khoản trên hướng dẫn chị H. tham gia đầu tư chứng khoán trên mạng. Khi vào trang web, chị H. được đối tượng đề nghị tạo tài khoản và thực hiện theo hướng dẫn trên web để nạp tiền. Tin tưởng vào lời “hứa ảo” đầu tư chứng khoán sẽ sinh lời nhiều, chị H. thực hiện 15 lần nộp với tổng số tiền hơn 672 triệu đồng vào tài khoản chứng khoán. Sau khi nhập lệnh rút số tiền trên nhưng đều thất bại, chị H. mới vỡ lẽ mình bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố), thủ đoạn của các đối tượng tội phạm là tạo lập ra các sàn chứng khoán, đa cấp, tiền ảo…, sau đó sử dụng mạng xã hội quảng cáo, tuyển người tham gia đầu tư với những lời hứa hẹn hấp dẫn như cam kết có lãi, lợi nhuận cao, kiếm tiền dễ dàng khiến không ít nạn nhân sập bẫy, mất tiền. Hầu hết nạn nhân khi tham gia đầu tư đều được tư vấn chi tiết cách thức mở tài khoản, đầu tư các khoản tiền nhỏ để thử và nhận lại khoản lãi suất tương ứng nhằm mục đích đánh vào lòng tham.
Sau khi thấy có thể kiếm được tiền từ các sàn này, nạn nhân được mời gọi đầu tư số tiền lớn hơn và lấy nhiều lý do hệ thống thanh toán lỗi, nhập sai nội dung giao dịch, sai tài khoản, cơ quan thuế nước ngoài điều tra… để không rút được tiền ra, mà phải đóng thêm nhiều khoản phí với cam kết sẽ được nhận lại toàn bộ cả tiền phí lẫn tiền lãi ban đầu. Đến khi nạn nhân không còn tiền để nộp tiền vào tài khoản, các đối tượng sẽ khóa tài khoản, cho sập sàn giao dịch và cắt liên lạc.
Trước đó, ngày 15-8, chị D.T.M.T (36 tuổi) đến Công an phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) trình báo vụ việc mình bị lừa đảo khi đăng ký cho con tham gia giải chạy “Kids Run 2024” trên mạng xã hội. Theo đó, 8 giờ 21 cùng ngày, tài khoản facebook “Kids Run 2024” nhắn tin tư vấn cho chị T. đăng ký giải chạy cho con và yêu cầu chị nộp tiền vào số tài khoản, với tổng số tiền 92,7 triệu đồng. Cũng vì mất cảnh giác nên chị T. thực hiện theo yêu cầu mà không để ý. Sau khi trấn tĩnh lại, chị T. kiểm tra thì phát hiện bị lừa nên đến trình báo cơ quan công an.
Công an thành phố khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác khi tham gia đầu tư chứng khoán, đa cấp, tiền ảo. Tuyệt đối không vào các sàn giao dịch trực tuyến trên mạng mà không rõ thông tin hoặc thông tin có dấu hiệu giả mạo. Trước khi quyết định đầu tư, cần tìm hiểu kỹ thông tin về sàn giao dịch, đặc biệt là các sàn đầu tư đăng tải địa chỉ ảo, không có thật, hoặc giả mạo sàn đầu tư chính thống. Bên cạnh đó, cần nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn khi chưa xác định chính xác nhân thân, lai lịch của người đó.
Ngoài ra, Công an thành phố đề nghị người dân cần tìm hiểu kỹ về các công ty, trung tâm trước khi đăng ký cho mình và người nhà tham gia các chương trình qua mạng xã hội. Chỉ chọn các công ty, trung tâm có uy tín, đã kiểm tra, xác thực chính xác thông tin. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân và người thân cho các trang web, trang mạng xã hội khi chưa xác định chính xác mức độ uy tín để phòng tránh việc bị lừa đảo cũng như các mục đích xấu khác.
TRÍ DŨNG