Xã hội

Nỗ lực xác minh thông tin cho liệt sĩ

07:41, 30/09/2024 (GMT+7)

Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố phối hợp Trung tâm xét nghiệm chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao tiếp nhận mẫu ADN của thân nhân gia đình liệt sĩ chưa có thông tin để xây dựng “Ngân hàng ADN liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin” nhằm sớm tìm ra thông tin, trả lại tên cho liệt sĩ.

Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2024), ông Nguyễn Văn Dương (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) được mời đến Trung tâm xét nghiệm và chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao VSK Đà Nẵng (số 173 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu) để lấy mẫu máu phục vụ xét nghiệm ADN để tìm thông tin mộ liệt sĩ Nguyễn Thị Đua. Ông Dương cho biết, liệt sĩ Nguyễn Thị Đua là chị ruột, hy sinh năm 1972 tại núi Hòn Tàu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Sau giải phóng, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Thị Đua được tìm kiếm, quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên), nhưng vì chưa xác định được thông tin nên mộ phần vẫn vô danh.

“Lâu nay gia đình rất mong muốn tìm được chính xác phần mộ của chị để chăm sóc, hương khói chu đáo nhưng đành bất lực vì không có điều kiện, thông tin cụ thể. Hy vọng sau đợt lấy mẫu xét nghiệm này, thông qua ngân hàng ADN liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin để sớm tìm được tên cho phần mộ chị tôi và các liệt sĩ khác”, ông Dương bộc bạch.

Bà Trần Thị Hạnh (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) có mặt từ sớm tại Trung tâm xét nghiệm và chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao VSK Đà Nẵng để cung cấp mẫu máu xét nghiệm ADN. Bà Hạnh có cha là liệt sĩ Trần Phúc, hy sinh năm 1947. Thời gian qua, gia đình rất muốn tìm kiếm hài cốt, mộ phần của liệt sĩ Phúc nhưng không có thông tin.

“Ngày đó cha tôi cùng đồng đội trên đường di chuyển  từ tỉnh Quảng Ngãi ra tỉnh Thừa Thiên Huế thì bị địch ném bom, tất cả đều hy sinh. Gia đình tôi không rõ hài cốt cha đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ nào hay vẫn còn nằm lại đất mẹ nên rất muốn tìm kiếm thông tin. Mong rằng sau khi xét nghiệm ADN và đối chiếu lên ngân hàng ADN liệt sĩ, gia đình tôi sớm tìm được cha”, bà Hạnh tâm sự.

Với ông Lê Thanh Vân (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), việc các cấp, ngành tạo điều kiện để thân nhân gia đình liệt sĩ tìm lại được người thân thông qua thu nhận mẫu ADN là việc làm rất nhân văn, ý nghĩa, giúp các gia đình có cơ hội tiếp cận, tìm kiếm hài cốt, mộ phần người thân đã hy sinh trong kháng chiến.

Thượng tá Huỳnh Mến, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố cho biết, thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp Trung tâm xét nghiệm và chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao VSK Đà Nẵng thí điểm mời 21 thân nhân, gia đình của 22 liệt sĩ chưa xác định thông tin đến lấy mẫu máu phục vụ xét nghiệm ADN.

Mẫu máu sau khi thu nhận được đưa đi phân tích, tích hợp vào Cơ sở dữ liệu căn cước và đối chiếu thông qua “Ngân hàng gen ADN liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin” nhằm sớm tìm được thông tin của liệt sĩ chưa xác định. Mọi chi phí lấy mẫu, xét nghiệm ADN đều được miễn phí, thân nhân liệt sĩ không phải chi trả bất cứ chi phí nào. Việc thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ được lấy theo dòng mẹ theo mức độ ưu tiên gần kề, gồm: mẹ đẻ liệt sĩ, bà ngoại liệt sĩ, anh chị em cùng mẹ đẻ của liệt sĩ, cậu dì là anh chị em ruột của mẹ liệt sĩ… Hoạt động thu nhận mẫu được chia làm 3 đợt. Sau đợt 1 vừa được triển khai, đợt 2 dự kiến thực hiện trong năm 2025 và đợt 3 dự kiến thực hiện trong năm 2026.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước còn gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Tại thành phố Đà Nẵng có hơn 9.370 mộ nghĩa trang liệt sĩ, trong đó 1.711 mộ đủ thông tin, 5.230 mộ có một phần thông tin, 2.432 mộ chưa có thông tin.

Để sớm xác định thông tin mộ liệt sĩ, vừa qua Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và  các đơn vị khác kích hoạt, ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân. Việc thu nhận mẫu ADN thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính nhằm tạo lập Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, phục vụ việc tìm kiếm, xác minh danh tính, sớm trả lại tên cho liệt sĩ, đưa liệt sĩ về đoàn tụ với gia đình, quê hương.

Nhân kỷ niệm 77 năm nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2024), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội(Bộ Công an) ra quân thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính và tri ân ngày 27-7 tại 7 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội có 31 thân nhân, tỉnh Hưng Yên có 52 thân nhân, tỉnh Nam Định có 32 thân nhân, tỉnh Đồng Nai có 28 thân nhân; tỉnh Quảng Nam có 13 thân nhân; Thành phố Hồ Chí Minh có 26 thân nhân và Đà Nẵng có 21 thân nhân.

LAM PHƯƠNG

.