Xã hội
Tăng cường hỗ trợ người sau cai
Theo kết quả kiểm tra của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, công tác hỗ trợ sinh kế, tự học nghề cho đối tượng sau cai nghiện tại các phường, xã trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn; do vậy cần tăng cường triển khai công tác này cho các đối tượng theo đúng quy định.
Hỗ trợ học nghề dịch vụ khách sạn cho người cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Sở Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ,TB&XH) cho biết, từ ngày 12-6 đến 13-8, sở phối hợp phòng LĐ,TB&XH các quận, huyện làm việc tại 18 phường, xã trên địa bàn thành phố về công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai và triển khai chính sách hỗ trợ sinh kế, tự học nghề. Kết quả khảo sát cho thấy, trong năm 2023, UBND 18 phường, xã hỗ trợ sinh kế, tự học nghề cho 23 người (22 người hỗ trợ sinh kế và 1 người được hỗ trợ tự học nghề). Tính đến ngày 15-6-2024, trong số 23 người được hỗ trợ có 19 người tiến bộ (82,6%), 3 người tái nghiện (13%) và 1 người bỏ đi nơi khác (4,3%).
Về hồ sơ hỗ trợ người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện tập trung, có thời gian sau cai nghiện đủ 5 năm trở lên không tái sử dụng trái phép chất ma túy (10.000.000 đồng/đối tượng), trong năm 2023, UBND phường, xã hỗ trợ 5 trường hợp. Cụ thể, UBND xã Hòa Châu (3 trường hợp), phường Hòa Thuận Tây (1 trường hợp), phường Thuận Phước (1 trường hợp).
Năm 2024 chưa có trường hợp nào được hỗ trợ. Nguyên nhân được các địa phương đưa ra là các đối tượng còn tiềm ẩn nguy cơ tái nghiện, không thực sự tin cậy để hỗ trợ sinh kế, học nghề; một số không có nhu cầu hoặc bỏ ngang. Đơn cử như tại phường An Khê (quận Thanh Khê), năm 2023 có 6 đối tượng đang quản lý sau cai được phân công theo dõi khi được khảo sát nhu cầu hỗ trợ sinh kế thì 3 đối tượng không có nguyện vọng, 1 chưa tiến bộ và 2 đối tượng nguy cơ cao tái nghiện. Tại phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), UBND phường kết nối cho 1 đối tượng hỗ trợ học nghề miễn phí tại gara ô-tô. Tuy nhiên đến nay, đối tượng này không còn tham gia học nghề ở gara nữa mà học nghề tại gia đình.
Thời gian đến, Sở LĐ,TB&XH đề nghị UBND quận, huyện chỉ đạo phòng LĐ,TB&XH đôn đốc các phường, xã rà soát, xem xét, hỗ trợ sinh kế, tự học nghề và hỗ trợ các đối tượng đã hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện tập trung trên địa bàn thành phố, có thời gian sau cai nghiện đủ 5 năm trở lên không tái sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Nghị quyết số 104/2023/NQ-HĐND. Các phường, xã tập trung triển khai hỗ trợ sinh kế, tự học nghề theo nguồn kinh phí đã được phân bổ, đồng thời quan tâm hỗ trợ cho đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính lần đầu về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, vận động đối tượng tự học nghề. Song song đó, đẩy mạnh thực hiện rà soát, mạnh dạn xem xét, xác định đúng đối tượng, đủ điều kiện được quy định tại Nghị quyết số 104/2023/NQ-HĐND để tiến hành thực hiện hỗ trợ đối với các đối tượng.
UBND quận, huyện cần rà soát, công bố các cơ sở bảo đảm điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho các phường, xã triển khai công tác cai nghiện trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện tổ chức tập huấn công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác này tại các xã, phường, tiếp tục chỉ đạo UBND các phường, xã thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị cai nghiện ma túy bắt buộc, quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú theo đúng quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
NGỌC HÀ