Xã hội

Cần ứng dụng hiệu quả dữ liệu quan trắc tự động ứng phó thiên tai

07:50, 31/10/2024 (GMT+7)

Trong điều kiện thiên tai diễn biến cực đoan, dị thường do biến đổi khí hậu, bên cạnh tăng cường đầu tư, lắp đặt thêm các trạm quan trắc lượng mưa, mực nước..., các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị trên địa bàn thành phố cần tăng cường khai thác và có cách thức ứng dụng dữ liệu từ các trạm quan trắc này để phục vụ công tác cảnh báo, ứng phó thiên tai.

Trạm quan trắc và cảnh báo triều cường trên sông Hàn vừa được lắp đặt để tăng cường ứng dụng dữ liệu quan trắc vào công tác ứng phó thiên tai của thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trạm quan trắc và cảnh báo triều cường trên sông Hàn vừa được lắp đặt để tăng cường ứng dụng dữ liệu quan trắc vào công tác ứng phó thiên tai của thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) là địa bàn luôn hứng chịu thiên tai, đặc biệt là các loại hình thiên tai như mưa lớn, lũ, lũ quét (trên các sông và suối), sạt lở đất, đá. Ngày 27-10-2024, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, trên địa bàn xã Hòa Bắc có mưa rất to làm xuất hiện lũ quét ở thượng nguồn sông Cu Đê với mực nước tại cầu Tà Lang - Giàn Bí được quan trắc dâng cao hơn 7,9m so với trước khi mưa lớn, làm 51 nhà dân trên địa bàn xã bị ngập lũ, nhiều nhà ngập sâu từ 1-2m. Thành phố đã phối hợp với Công ty CP Tư vấn và Phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) lắp đặt 3 trạm đo mưa chuyên dùng tại gần cuối 2 nhánh sông Nam (đầu cầu Tà Lang - Giàn Bí), sông Bắc, khe Bàu Bàng và 1 trạm quan trắc mực nước sông Nam tại cầu Tà Lang - Giàn Bí (thượng nguồn của sông Cu Đê).

Các trạm đo chuyên dùng này hoạt động quan trắc tự động, cập nhật dữ liệu quan trắc được theo chu kỳ 10 phút/lần và được WATEC tích hợp, đưa lên hệ thống đo mưa chuyên dùng trên nền tảng website (https://vrain.vn) và hệ thống giám sát ngập lụt thành phố Đà Nẵng (https://danang.vfass.vn).

Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích hợp các dữ liệu quan trắc nói trên, đưa vào hệ thống bản đồ theo dõi mưa, ngập nước trên ứng dụng Danang Smart City để cán bộ, nhân dân thành phố và du khách thuận tiện theo dõi, chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai liên quan đến mưa lớn.

Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam cho biết, xã thường xuyên vào ứng dụng Danang Smart City được cài đặt trên điện thoại di động cá nhân hoặc máy vi tính để theo dõi dữ liệu quan trắc, từ đó chủ động cảnh báo và triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, đá.

Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bên cạnh mạng lưới quan trắc của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, còn có nhiều trạm quan trắc chuyên dùng như trạm đo mưa, mực nước các sông, cảnh báo ngập lũ, lụt... tự động.

Thành phố và WATEC đã đưa lên hệ thống đo mưa chuyên dùng (https://vrain.vn) dữ liệu của 31 trạm đo mưa trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đưa dữ liệu từ 13 trạm đo mực nước sông, hồ chứa, đập dâng và tháp cảnh báo ngập tại hồ Thạc Gián, khu vực Khe Cạn , phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê); khu vực đường Đà Sơn 2, Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, (quận Liên Chiểu)... lên hệ thống giám sát ngập lụt thành phố Đà Nẵng (https://danang.vfass.vn) và đều được tích hợp trên ứng dụng Danang Smart City để chủ động ứng phó thiên tai.

Ông Lê Văn Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiêm Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cho hay  thành phố đã và đang tích cực ứng dụng hiệu quả dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động lượng mưa, mực nước để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai ứng phó hiệu quả các loại hình thiên tai.

Trạm đo mực nước tự động trên sông Nam tại cầu Tà Lang - Giàn Bí đang phát huy hiệu quả trong việc cảnh báo lũ quét ở thượng nguồn sông Cu Đê và ngập lũ một số khu vực dân cư tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trạm đo mực nước tự động trên sông Nam tại cầu Tà Lang - Giàn Bí đang phát huy hiệu quả trong việc cảnh báo lũ quét ở thượng nguồn sông Cu Đê và ngập lũ một số khu vực dân cư tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cuối tháng 9-2024, được sự thống nhất của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công ty CP NetPlus lắp đặt hệ thống quan trắc và cảnh báo triều cường trên sông Hàn tại khu vực thường hay chịu ảnh hưởng của sóng lớn, nước biển dâng ở đường Như Nguyệt (quận Hải Châu).

Bước đầu, hệ thống này không chỉ cảnh báo nước ngập đường Như Nguyệt và khu vực dân cư lân cận mà còn lưu lại dữ liệu quan trắc, nhất là trong đợt bão số 6 vừa qua để các cơ quan chức năng có cơ sở tính toán, làm rõ các mối liên quan giữa hiện tượng triều cường, nước biển dâng, sóng lớn do bão hoặc áp thấp nhiệt đới tác động đến hệ thống thoát nước và tình hình ngập nước trong đô thị.

Đồng thời, trả lời câu hỏi có hay không tình trạng chậm thoát lũ từ thượng nguồn sông Vu Gia ra cửa Hàn do gặp triều cường cao, sóng lớn và tác động của các hiện tượng này kết hợp với mưa lớn gây ngập nước ở trung tâm thành phố, để từ đó đề xuất giải pháp vận hành điều tiết nước từ các hồ thủy điện sớm hơn và hợp lý hơn.

Giám đốc Công ty CP NetPlus Dương Văn Tuấn chia sẻ: “Trước mắt, chúng tôi “nhúng” dữ liệu này vào bản đồ ngập nước đường Như Nguyệt và khu vực dân cư lân cận; tính toán, đánh giá tác động của triều cường, sóng lớn đối với mức độ, khu vực ngập nước. Ngoài ra, chúng tôi đang xây dựng một hệ thống tích hợp tất cả dữ liệu quan trắc thiên tai từ nhiều hệ thống khác nhau và có thêm tính năng cảnh báo tự động, hỗ trợ ra quyết định ứng phó với thiên tai. Chúng tôi mong các đơn vị liên quan chia sẻ dữ liệu quan trắc để chúng tôi xây dựng hoàn thiện hệ thống này, nhằm ứng dụng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả hơn trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan, dị thường dưới tác động của biến đổi khí hậu”.

HOÀNG HIỆP

.