Xã hội
Đồng hành xây dựng thành phố môi trường
Với quá trình công tác nhiều năm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và môi trường, ông Thái Văn Quang (Trưởng ban Tuyên truyền và Đối ngoại, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng) đã có nhiều đóng góp quan trọng vào các chương trình, dự án nghiên cứu liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học... Những cống hiến của ông đã được các cấp, ngành Trung ương và địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Ông Thái Văn Quang (giữa) được UBND thành phố xét tặng và vinh danh giải thưởng Môi trường thành phố Đà Nẵng năm 2023. Ảnh: PV |
Là kỹ sư nông nghiệp có gần 30 năm ở vị trí trưởng phòng kỹ thuật của Sở Nông nghiệp (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng; hơn 10 năm là thành viên Hội đồng Khoa học - Công nghệ của thành phố, ông Thái Văn Quang được Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, các viện nghiên cứu, các trường đại học mời tham gia vào các hội đồng xét chọn, nghiệm thu nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và thành phố.
Trong đó có một số hoạt động nổi bật như báo cáo các chuyên đề cho Khoa Môi trường, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng); là thành viên Hội đồng quốc gia xây dựng các quy trình sản xuất phân hữu cơ bằng phế phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường để giảng dạy trong các trường cao đẳng, đại học (do Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm Đà Nẵng chủ trì); tham gia vào các dự án xây dựng chính sách về biến đổi khí hậu cho thành phố (do Sở Ngoại vụ chủ trì), dự án cấp thành phố về Đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà (do Viện Sinh thái học miền Nam chủ trì); cùng Công ty Hướng Sáng xây dựng đề án Bảo tồn đa dạng sinh học của thành phố; xử lý động, thực vật ngoại lai (xử lý dây leo bìm bìm, các loài rùa tai đỏ, ốc bươu vàng...) để bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông còn tham gia vào các dự án: Quy hoạch nhanh về tái tạo cảnh quan bờ sông, bảo tồn nguồn lợi ven bờ (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội chủ trì, phối hợp cùng Đại học Kiến trúc Đà Nẵng); Trường Sơn xanh tại Quảng Nam; canh tác trên đất dốc, trồng rừng gỗ lớn và đa dạng hóa cây trồng để da dạng nguồn gen...
Năm 2023 và đầu năm 2024, ông phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (CAB) xây dựng dự án tài trợ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh và là thành viên của cả 2 hội đồng để xét duyệt và tài trợ cho hơn 20 sáng kiến với kinh phí tài trợ là 1 tỷ đồng; trực tiếp tham mưu, chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tổ chức thường niên các hội thảo quốc tế về đa dạng sinh học (diễn ra liên tục trong 4 năm)...
Chia sẻ về hoạt động chuyên môn, ông Quang cho biết: “Trong những năm qua, tôi cùng với nhiều cộng sự tích cực xây dựng các quy trình kỹ thuật, phổ biến tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt là thành viên tổ giúp việc của đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” ngay từ đầu (2010) cũng như giai đoạn tiếp theo (2021-2030) tôi nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ và đã được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có thư cảm ơn, công nhận là chuyên gia có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực môi trường.
Ngoài việc lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án, đề án thì sự linh hoạt, sáng tạo, lồng ghép các ý tưởng vào các hoạt động là điều rất quan trọng. Do đó, cá nhân tôi luôn suy nghĩ, tìm tòi để hoạt động nghiên cứu gắn với thực tiễn luôn đi đúng hướng, giúp giải quyết những vấn đề bức xúc đang xảy ra và đem lại hiệu quả cho xã hội”.
Qua những nghiên cứu của mình, ông đã giúp các đơn vị xây dựng, thu hút được nhiều dự án, đầu tư lại cho cộng đồng, góp phần giảm nhẹ đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Từ những đóng góp tích cực của cá nhân cùng với tập thể các đơn vị, địa phương, hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đã đem lại kết quả rõ nét, qua đó nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, xã hội”.
Vừa qua, ông Thái Văn Quang được UBND thành phố xét tặng và vinh danh Giải thưởng Môi trường thành phố Đà Nẵng năm 2023 đối với lĩnh vực: Bảo tồn đa dạng sinh học. Đến nay ở tuổi nghỉ hưu, ông vẫn ngược xuôi di chuyển đến các tỉnh, thành phố trong nước để cùng tham gia vào các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học; thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động khi được yêu cầu.
Ông nói: “Tôi mong muốn tiếp tục được đóng góp công sức cho các dự án nghiên cứu về môi trường, bởi cá nhân tôi có nguồn tư liệu dồi dào cũng như kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm. Tôi luôn sẵn sàng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường vì cộng đồng”.
DIỆP NHƯ