Xã hội

Khơi nguồn ý tưởng, xây dựng hội vững mạnh

06:44, 19/10/2024 (GMT+7)

Với mục đích khơi dậy tiềm năng và phát huy tính sáng tạo của cán bộ, hội viên nông dân trong các hoạt động, năm 2024, Hội Nông dân quận Liên Chiểu phát động cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo”. Qua đó đề xuất nhiều ý tưởng mới, cách làm hay, mang tính thực tiễn cao nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Bà Trần Thị Kim Chinh chăm sóc vụ hoa Tết tại vườn hoa Công Hà.  Ảnh: Đ.H.L
Bà Trần Thị Kim Chinh chăm sóc vụ hoa Tết tại vườn hoa Công Hà. Ảnh: Đ.H.L

Chia sẻ về cuộc thi, ông Lê Duy Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân quận Liên Chiểu cho biết, kể từ khi phát động, cuộc thi thu hút hơn 70 bài dự thi của cán bộ, hội viên đến từ 129 chi hội khu dân cư. Những ý tưởng, đề xuất tập trung vào các nội dung như: Nông dân tham gia mô hình khởi nghiệp, xây dựng sản phẩm thương hiệu; nông dân xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; nông dân tận dụng các lô đất trống, đất ven hồ điều tiết để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị; nông dân tham gia CLB về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư và các giải pháp xây dựng phong trào nông dân vững mạnh.

“Trải qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo, ban tổ chức tìm ra 8 ý tưởng, sáng kiến hay của cán bộ, hội viên nông dân để trao giải. Mặc dù đây là lần đầu tiên tổ chức nhưng với sự tâm huyết, đồng lòng của các cấp hội, cuộc thi thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ hội viên, chi, tổ hội nghề nghiệp nông dân trên địa bàn quận tham gia. Từ những ý tưởng mới, mô hình hay, Hội Nông dân quận sẽ khuyến khích các hội viên triển khai nhân rộng tại địa phương nhằm đưa hoạt động phong trào nông dân ngày càng vững mạnh trong thời gian đến”, ông Hòa nhấn mạnh.

Trong các ý tưởng và sáng kiến đề xuất, mô hình “Vườn hoa trong phố kết hợp điểm trải nghiệm một ngày làm nông dân” của anh Thái Văn Công được đánh giá cao về tính thực tiễn và hiệu quả kinh tế. Nói về ý tưởng này, anh Thái Văn Công, chủ vườn hoa Công Hà, phường Hòa Minh cho biết, thời gian qua, vườn hoa Công Hà đã đầu tư làm giàn treo, mái che và hệ thống phun sương tự động trên khu đất rộng 5.000m2. Việc ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và phun sương đã giúp giảm chi phí nhân công lao động và chủ động trong việc tưới tiêu, đặc biệt tiện lợi khi kết nối cảm biến qua điện thoại để điều khiển tự động. Nhờ đó, vườn hoa trở thành mô hình cho các hội viên đến tham quan và học tập.

Hiện các trường học trên địa bàn quận cũng có nhu cầu cao về tham quan, trải nghiệm và học tập tại các vườn hoa và vườn rau. Với việc có sẵn vườn hoa hoạt động hơn 5 năm, anh Công lên ý tưởng xây dựng mô hình “Vườn hoa trong phố kết hợp một ngày làm nông dân” nhằm hướng tới bảo vệ môi trường khu dân cư xanh-sạch-đẹp và giải quyết công ăn việc làm, lao động tại địa phương. Dự kiến, mô hình này sẽ sớm triển khai và đi vào hoạt động.

Vườn hoa Công Hà từ lâu đã trở thành nơi cung cấp hoa treo uy tín cho nhiều khách hàng ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… vào dịp lễ, Tết. Đang tất bật chăm sóc vụ hoa Tết, bà Trần Thị Kim Chinh, nhân viên vườn hoa Công Hà cho biết, hiện nơi đây trồng khoảng hơn 30 loài hoa cây cảnh phục vụ trang trí như dạ yến thảo, mai địa thảo, thu hải đường, cúc mặt trời, ngọc thảo… Thu nhập mỗi người lao động trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng. Khi mô hình “Vườn hoa trong phố kết hợp một ngày làm nông dân” được thực hiện, sẽ hình thành điểm tham quan, học tập cho các hội viên về kỹ thuật tạo dáng hoa mini treo sản xuất hiệu quả, đồng thời giúp các em học sinh tham gia trải nghiệm làm nông dân như tự tay chăm sóc và trồng hoa, rau; học cách thu hoạch các loại rau…

Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo” đã phát huy tinh thần sáng tạo của các hội viên. Ngoài mô hình “Xây dựng vườn hoa trong phố kết hợp điểm trải nghiệm một ngày làm nông dân” đoạt giải nhất, còn có nhiều mô hình hay như mô hình “Khu nhà trọ xanh - an toàn - nghĩa tình”, mô hình “Phát triển các chi, tổ hội nghề nông dân - Hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm của nông dân trên địa bàn quận” và sáng kiến “Nông dân tích cực tham gia đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô”... Từ đó tập hợp các hội viên cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề vào các chi, tổ hội nghề nghiệp nhằm tạo sự gắn kết giữa việc xây dựng tổ chức hội với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, làm tiền đề cho kinh tế tập thể phát triển.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.