Xã hội
Người dân cần chủ động cải tạo hoặc xây dựng lại nhà ở tập thể
Sau khi có kết quả kiểm định, đánh giá chất lượng của 9 nhà ở tập thể cũ có nhiều chủ sở hữu (chủ yếu là sở hữu riêng (tư nhân), ít phần thuộc sở hữu Nhà nước) trên địa bàn quận Hải Châu đã xuống cấp nguy hiểm cấp C và B, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần sớm chủ động thống nhất phương án sửa chữa, cải tạo hoặc phá dỡ, xây dựng lại để ở cho an toàn.
Nhà ở tập thể tại số 109 Thanh Thủy (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) đã bị xuống cấp nguy hiểm cấp C, có thời hạn được tiếp tục sử dụng bình thường chỉ 2-3 năm, nhưng phải được sửa chữa, duy tu trước khi sử dụng. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Hư hỏng, xuống cấp nguy hiểm
Nhà ở tập thể số 109 Thanh Thủy (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) đã có từ năm 1975-1977. Đến nay, sau gần 50 năm tồn tại, hiện nhà ở tập thể này đã quá niên hạn sử dụng. Rất nhiều hạng mục, chi tiết công trình đã xuống cấp nặng nề, như bong tường và trần nhà, gió bão thổi bay mái tôn, trần chống nóng bị sập, lan can bị gỉ sét làm đứt gãy, trụ bị nứt toác... Đây cũng là tình trạng chung và phổ biến của nhiều nhà ở tập thể xuống cấp còn lại trên địa bàn quận Hải Châu, làm nhiều người đang ở lo lắng sẽ bị sập đổ, thậm chí có nhiều căn hộ (chật chội, xuống cấp, hư hỏng...) không còn được người dân, chủ sở hữu ở hoặc đã cho thuê lại...
Theo thông báo của Sở Xây dựng về kết quả kiểm định chất lượng 9 nhà ở tập thể có nhiều chủ sở hữu trên địa bàn quận Hải Châu, nhà ở tập thể số 109 Thanh Thủy (phường Thanh Bình), nhà ở tập thể số 24 Lê Đình Thám và tầng 2 của nhà ở tập thể Mành Trúc cũ tại số K371/6 Trưng Nữ Vương (phường Hòa Thuận Đông) được đánh giá mức độ xuống cấp nguy hiểm cấp C, thời hạn được tiếp tục sử dụng bình thường chỉ 2-3 năm.
Các nhà ở tập thể tại số K33/21 Cao Thắng, K33B/12 Cao Thắng, 103 Nguyễn Tất Thành (cùng thuộc phường Thanh Bình) được đánh giá mức độ xuống cấp nguy hiểm cấp C với thời gian tiếp tục sử dụng bình thường 3-5 năm. Còn nhà ở tập thể tại K81 Hải Phòng (phường Thạch Thang), phần nhà ở thuộc sở hữu riêng tại tầng 1 và tầng 2 còn được sử dụng bình thường, riêng phần nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại tầng 2 được đánh giá xuống cấp nguy hiểm cấp C, có thể còn tiếp tục sử dụng 1-2 năm.
Các nhà ở tập thể hoặc phần xuống cấp nguy hiểm cấp C nói trên được các đơn vị chuyên môn khuyến cáo cần được kịp thời sửa chữa, gia cường các cấu kiện đã xuống cấp nguy hiểm và các hư hỏng cục bộ trước khi sử dụng tiếp; việc sửa chữa, gia cường phải được thiết kế thi công bởi các đơn vị có đủ năng lực theo quy định. Đối với 2 nhà ở tập thể tại K33/10 và K33/31 Cao Thắng (phường Thanh Bình), được đánh giá có mức độ xuống cấp nguy hiểm cấp B, thời hạn tiếp tục sử dụng bình thường từ 5-7 năm, nhưng cần sửa chữa các cấu kiện nguy hiểm và các hư hỏng nhỏ.
Cần sửa chữa, cải tạo mới để ở an toàn
Trong thông báo, Sở Xây dựng cũng lưu ý để được tiếp tục sử dụng đối với 9 nhà ở tập thể này, cần phải được thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng kịp thời. Đồng thời, đề nghị UBND quận Hải Châu phối hợp lập kế hoạch, tổ chức họp thông báo kết quả kiểm định và các quy định pháp luật liên quan đến chủ sở hữu, người dân đang ở tại các nhà ở tập thể nói trên.
Theo lãnh đạo một số địa phương, những năm qua, người dân ở các nhà ở tập thể xuống cấp nguy hiểm cấp B và C nói trên đã có nhiều kiến nghị về việc sửa chữa hoặc xây dựng mới, giải tỏa, di dời đến nơi ở mới an toàn, nhưng do một số vướng mắc về các quy định của pháp luật nên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, dù đã có quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, nhất là Luật Nhà ở năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-8-2024) đã có quy định cụ thể, nhưng việc triển khai trong thực tế vẫn còn gặp một số khó khăn, lúng túng.
Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy cho biết, quận đang phối hợp với Sở Xây dựng chuẩn bị các nội dung chi tiết để thông báo đến người dân, chủ sở hữu ở 9 nhà ở tập thể xuống cấp loại B, C nói trên và niêm yết thông tin tại các địa điểm để người dân nắm bắt, thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Hoàng thông tin, 9 nhà ở tập thể xuống cấp nguy hiểm loại B và C nói trên chủ yếu đã thuộc sở hữu của người dân do trước đây, nhà nước đã hóa giá (bán) cho người dân theo các quy định của pháp luật. Dù vậy, với trách nhiệm và theo các quy định của pháp luật, thành phố vẫn tổ chức kiểm định chất lượng công trình ở 9 nhà ở tập thể này để đánh giá hiện trạng, chất lượng còn lại của công trình nhằm khuyến cáo người dân có biện pháp sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng lại để ở cho an toàn.
Đối với 9 nhà ở tập thể xuống cấp nguy hiểm này, nhà nước không bỏ tiền ra để sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng lại, mà các hộ dân phải tự chủ động thực hiện. Tuy nhiên, việc này cũng có thể xảy ra trường hợp có một hoặc một số hộ dân trong một nhà ở tập thể không đồng thuận thực hiện, thì khó có thể được sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng lại, dẫn đến nhà ở tập thể tiếp tục bị xuống cấp, không an toàn để ở. Đối với trường hợp này, sau một thời gian theo quy định, thành phố sẽ tiếp tục triển khai kiểm định chất lượng công trình để đánh giá.
Nếu công trình được đánh giá xuống cấp nguy hiểm cấp D thì thành phố sẽ tiến hành di dời người dân ra khỏi nhà ở tập thể này, thậm chí cưỡng chế để tháo dỡ theo đúng quy định của pháp luật. Các hộ dân tự thỏa thuận, thống nhất việc đóng góp kinh phí xây dựng lại hoặc giao cho một đơn vị (doanh nghiệp) khác có chức năng, năng lực đứng ra xây dựng lại với số lượng căn hộ, phòng chức năng khác nhiều hơn để vừa bố trí lại đủ nhu cầu ở cho người dân, vừa khai thác thêm nhằm bù đắp chi phí đầu tư và có lãi.
“Người dân ở các nhà ở tập thể xuống cấp nguy hiểm cấp B và C phải tự quyết định, chủ động phối hợp sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng lại với số lượng căn hộ, diện tích, chức năng... phù hợp theo thỏa thuận, thống nhất”, ông Trần Văn Hoàng nói.
HOÀNG HIỆP