Xã hội

Chuyện lưu thông qua nút giao thông có và không có đèn tín hiệu

18:03, 05/11/2024 (GMT+7)

ĐNO - Bất cứ ai di chuyển trên các phương tiện giao thông trong thành phố mỗi ngày, chắc chắn là thường xuyên đi qua các nút giao có hoặc không có đèn tín hiệu. Một thành phố du lịch như Đà Nẵng, đương nhiên là luôn đặt trọng tâm, ưu tiên phát triển du lịch, và thành phố cũng xác định, để thu hút khách du lịch, bên cạnh rất nhiều những yếu tố, thì yếu tố giao thông phải đặt lên hàng đầu. 

Trong những năm qua, các nút giao thông ở Đà Nẵng được mở và hoàn thiện có thể kể đến như ở dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Ngô Quyền- Ngũ Hành Sơn-Lê Văn Hiến, các tuyến đi sân bay Đà Nẵng như Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Thoại-cầu Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Linh. Hệ thống đèn tin hiệu hoạt động nhìn chung là khá tốt, ổn định. Nút giao thông ở 2 đầu cầu Rồng, cầu Sông Hàn, hoặc những nút giao thông khác mức như hầm chui, đường cầu vượt ở cầu Trần Thị Lý, Ngã Ba Huế, Điện Biên Phủ cũng góp phần đáng kể giải toả ách tách giao thông...

Quả thật là không thể hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu các tuyến đường vắng bóng cụm đèn tín hiệu giao thông. Vài chục năm trước thì có lẽ chúng ta chưa thấy, hoặc ít thấy đèn tín hiệu giao thông quan trọng như ở thời điểm hiện tại. Lý do là khi ấy người chưa đông, phương tiện cũng chưa nhiều như bây giờ. Ngoài việc dân số tăng, phương tiện giao thông tăng thì cũng thấy là Đà Nẵng mở rộng giao thương, kết nối, là thành phố động lực phát triển của khu vực, cũng là điểm đến hấp dẫn nên phương tiện giao thông ngoại tỉnh, nhất là ô tô đến ĐN rất nhiều, nhất là trong mùa du lịch. Và chúng ta cũng biết là một thành phố văn minh, hiện đại không thể không có đèn tín hiệu giao thông, nhất là với Đà Nẵng chúng ta chưa có điều kiện để xây dựng nhiều nút giao thông khác mức.

Có thể dẫn chứng về hiệu quả của việc thêm mới các nút giao thông, đơn cử như 2 trong số các nút giao mới nhất được mở là ở tuyến đường Ngô Quyền (nối đường Đỗ Bá- Dương Khuê ở quận Ngũ Hành Sơn, và nối đường Lê Hữu Trác-Vũ Văn Dũng ở quận Sơn Trà) đã giúp giao thông thuận tiện hơn mà có người đã nói vui là nối sông với biển ở Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn thêm gần nhau hơn.

Thêm các nút giao thông cũng có nghĩa là thêm những sự lựa chọn về phương án di chuyển. Và khi có nhiều phương án di chuyển, nhiều lộ trình để đến 1 địa điểm nào đó thì mật độ phương tiện giao thông sẽ giãn ra. Qua đó góp phần đáng kể giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Cùng với đó là cụm đèn tín hiệu giao thông gắn liền với các nút giao thông đó cũng phát huy hiệu quả. Ngoại trừ một bộ phận người tham gia giao thông thiếu ý thức, thiếu văn hoá giao thông, vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm, bất an thì nhìn chung, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, mà chúng ta quen gọi là ngã tư “đèn xanh, đèn đỏ” đã góp phần giúp người, phương tiện an tâm hơn khi di chuyển trên đường, giúp cho công tác quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông được thuận tiện hơn. Đồng thời xây dựng ý thức tham gia giao thông có văn hoá, thực hiện tiêu chí “thành phố 4 An”.

Thực tế là trên những tuyến đường ở Đà Nẵng, nhìn chung ở các nút giao đồng mức có lưu lượng phương tiện lớn thì đều có hệ thống đèn tín hiệu giao thông hoạt động hiệu quả. Nhưng như vậy không có nghĩa là không còn những điều đáng bàn, đáng quan tâm. Đầu tiên phải nói đến là việc chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông. Nếu như khoảng 10 năm trước, ở các cụm đèn tín hiệu, thời gian chờ đèn đỏ chỉ tầm 30 giây, cùng lắm là 45 giây. Nhưng nay chúng ta thấy là thời gian chờ đèn đỏ có thể lên đến 60 giây, 80 giây,và thậm chí là 100 giây như tại nút giao đường Ngô Quyền – Nguyễn Văn Thoại.

Sở dĩ thời gian chờ lâu như vậy là để tạo điều kiện cho các dòng phương tiện theo những hướng di chuyển khác nhau. Cụ thể, trước đây chúng ta chỉ biết ở các ngã tư khi đèn xanh thì các phương tiện thoải mái đi thẳng, rẽ phải. Nhưng nay với lượng phương tiện rất đông, nhiều xe tải nặng, và đường cũng được mở rộng thì có cả đèn xanh dành riêng cho phương tiện rẽ trái. Đây là hướng rẽ tiềm ẩn nguy hiểm va chạm nên các phương tiện ở các hướng khác phải ở chế độ dừng đèn đỏ. Và khi có làn riêng, đèn xanh riêng cho phương tiện rẽ trái thì người điều khiển phương tiện cũng rất yên tâm. Vì vậy khi đèn đỏ có lâu hơn thì cũng sẵn sàng chờ đợi.

Tuy vậy, sự an toàn, yên tâm của người điều khiển phương tiện chỉ có thể được đảm bảo nếu như tất cả đều chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu. Đơn giản là có khi cả trăm phương tiện tuân thủ nhưng chỉ cần 1 phương tiện không tuân thủ thì nguy cơ va chạm, tai nạn luôn hiện hữu. Như đã nói, ở các ngã tư , nhìn chung đa số các phương tiện chấp hành tốt, nhưng những trường hợp cố tình vượt đèn đỏ cũng không phải là ít (xe công nghệ grab, các xe máy khác, có những người đi xe máy vượt đèn đỏ)  .

Hiện nay vẫn chưa có phương án, chế tài nào thực sự hữu hiệu để răn đe, xử phạt tình trạng vượt đèn đỏ của xe máy. Cứ thấy đường vắng là vượt, không có công an là vượt, mà lực lượng công an không thể nào có mặt ở tất cả các tuyến đường để xử phạt. Có trường hợp xe grab đã vừa vượt đèn đỏ mà mắt lại “dán” vào màn hình điện thoại, hoặc tai thì nghe điện thoại để liên lạc với địa điểm cần đến để giao hàng.

Hơn nữa, như đã nói, khá nhiều ngã tư trọng điểm, số giây chờ đèn đỏ  từ 60-70 lên đến gần 100 giây nên một số người có tâm lý nôn nóng, sốt ruột trong một bộ phận người điều khiển xe máy nên họ cứ quan sát xem có xe hay không, và cứ thế là vượt, không cần biết đèn khi đó là đỏ hay xanh và vàng.         

Có thực tế đáng buồn là một bộ phận người điều khiển phương tiện dường như quên mất sự hiện diện của đèn vàng, tác dụng của đèn vàng. Khi thấy đèn vàng thì phương tiện vẫn được chạy thôi, còn chạy như thế nào là chuyện của lái xe chứ không phải là chuyện của đèn vàng. Chỉ có đèn đỏ thì mới buộc phương tiện dừng lại, để phương tiện ở các hướng khác được đi. Do đó, chúng ta cũng cần có những tính toán hợp lý để bố trí các cụm đèn tín hiệu, và như đã nói, cụm đèn tín hiệu đã lắp thì phải hoạt động đỏ-xanh-vàng đầu đủ chứ không phải chỉ là đèn vàng chấp nháy suốt ngày đêm.

Có thể nói, vấn đề an toàn giao thông tại các nút giao thông có đèn tín hiệu luôn là vấn đề nóng. Chúng ta cứ nghĩ là khi có nút giao có đèn xanh đèn đỏ thì an toàn, nhưng thực ra đôi khi lại mất an toàn khi vẫn còn không ít trường hợp vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho phương tiện chấp hành đúng. 

Thiết nghĩ, các ngành chức năng có liên quan cũng cần khảo sát thực tế để thấy nhu cầu lắp đặt cụm đèn tín hiệu giao thông ở các nút giao khác, và khi đã lắp đặt thì cụm đèn đó phải đảm bảo hoạt động liên tục, nhịp nhàng đồng bộ đỏ-xanh-vàng. Bởi thực tế tại các tuyến đường khác trên địa bàn thành phố, vẫn có những ngã tư không có đèn tín hiệu, có những ngã tư tuy là có đèn tín hiệu nhưng đèn vàng lại nhấp nháy gần như suốt ngày (trên tuyến đường Bạch Đằng nối Trần Phú, có những cụm đèn vào giờ tối, phương tiện giao thông đông, nhưng chỉ là đèn vàng chấp nháy, ngày này qua ngày khác, trong khi đèn xanh đèn đỏ gần như “bất động”, như vậy thì cũng không có hiệu quả.

DÂN HÙNG

.