Xã hội

Cấp bách bảo vệ nhiều loài chim đang bị đe dọa rất nghiêm trọng

14:08, 20/12/2024 (GMT+7)

Việt Nam hiện đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, song một số loài đang bị suy giảm đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như sếu đầu đỏ, năm 1988 ghi nhận 1.000 cá thể, hiện chỉ còn khoảng vài cá thể.

(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: TTXVN)
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: TTXVN)

Sáng 20-12, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Việt Nam hiện đã ghi nhận được hơn 900 loài chim (trong đó có 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa). Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật; ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên.

Do vậy, việc xây dựng và ban hành Chương trình bảo vệ một số loài chim nước nguy cấp, quý, hiếm cũng như hướng dẫn kỹ thuật quản lý, bảo vệ các vùng chim nước di cư quan trọng trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ, giải pháp cấp bách.

Có những loài chim suy giảm tới 99,9%

Chia sẻ tại hội thảo tham vấn về nội dung trên diễn ra sáng nay, bà Phan Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Việt Nam là một trong những khu vực quan trọng trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu.

Các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam.

Để góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để thúc đẩy công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư cũng như các vùng chim quan trọng.

Tuy vậy, hiện nay tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Thực trạng này không chỉ khiến nhiều loài chim hoang dã (đặc biệt là các loài chim nước di cư) đã và đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng; mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật; ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Giám đốc Công ty Du lịch Hoang Dã (Wildtour) nhấn mạnh Việt Nam là nơi sinh sống của hơn 160 loài chim nước, trong đó có 38 loài bị đe dọa toàn cầu; có những loài đã bị tuyệt chủng; một số loài đang bị suy giảm đặc biệt nghiêm trọng. Đơn cử như sếu đầu đỏ (từ năm 1988, cả nước ghi nhận 1.000 cá thể sếu đầu đỏ, nhưng hiện chỉ còn khoảng vài cá thể, tức giảm tới 99,9%.

Có 2 nguyên nhân lớn dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng của các loài chim nước, chim di cư. Thứ nhất là do tình trạng săn bắt trái phép. Thứ hai là do biến đổi khí hậu, đặc biệt là các hoạt động của con người (như phát triển hạ tầng, du lịch không bền vững, nuôi trồng thủy sản không bền vững) làm suy giảm hệ sinh thái, gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường.

“Những mối đe dọa này không chỉ đẩy nhanh sự suy giảm quần thể chim nước mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như sinh kế của các cộng đồng phụ thuộc vào đất ngập nước,” ông Bảo nhấn mạnh.

Chống săn bắt, ưu tiên bảo tồn

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Hoài Bảo - Giám đốc Công ty Du lịch Hoang Dã (Wildtour) khuyến nghị trong thời gian tới, Việt Nam cần phải xác định bảo tồn các loài chim nước nguy cấp là nhiệm vụ ưu tiên trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học đồng thời là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó phải đảm bảo 2 giải pháp chính. Đầu tiên là cần ngăn chặn tình trạng săn bắt chim nước, chim di cư.

Giải pháp thứ hai theo ông Bảo là cần phải thực hiện hiệu quả việc bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ, kết hợp với các phương pháp bảo tồn tiên tiến của quốc tế, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Cụ thể là ưu tiên các hoạt động phục hồi môi trường sống cho chim nước, đặc biệt tại các vùng đất ngập nước trọng yếu như rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển, và đầm lầy nội địa; khuyến khích đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn các loài chim nước nguy cấp, quý, hiếm đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương trong việc thực hiện các sáng kiến bảo tồn bền vững.

Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học Phan Việt Nga cũng nhấn mạnh để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư, cũng như bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên tại Việt Nam, cục này đã xây dựng Dự thảo Chương trình bảo vệ một số loài chim nước nguy cấp, quý, hiếm và Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật quản lý, bảo vệ các vùng chim nước di cư quan trọng.

Trong đó, Dự thảo Chương trình bảo vệ một số loài chim nước nguy cấp, quý, hiếm hướng tới việc tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật về bảo tồn các loài chim nước nguy cấp, quý, hiếm; tăng cường tổ chức và năng lực quản lý nhằm hỗ trợ hiệu quả việc kiểm soát, ngăn chặn và giảm thiểu các mối đe dọa, tác động tiêu cực đến quần thể và sinh cảnh của các loài chim nước; thiết lập và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về các loài chim nước, chim di cư nguy cấp.

Dự thảo chương trình trên cũng đặt ra mục tiêu huy động nguồn tài trợ quốc tế cho các dự án bảo tồn chim nước tại Việt Nam; xây dựng các mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo tồn chim nước cho cộng đồng địa phương; ban hành các chính sách hỗ trợ bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; thành lập các nhóm bảo tồn tại địa phương để giám sát và bảo vệ các loài chim; giai đoạn 2025-2027, khởi động chương trình, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chim nước, chim di cư.

Đặc biệt, dự thảo chương trình đặt ra mục tiêu giảm ít nhất 50% số vụ săn bắt và buôn bán chim nước trái phép vào năm 2035; đến năm 2032, đảm bảo ít nhất 100 cá thể sếu đầu đỏ được gây nuôi bảo tồn thành công và tái thả về tự nhiên nhằm phục hồi quần thể (theo Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032)…

Cơ bản đồng tình với các dự thảo trên, tại hội thảo, đại diện một số tổ chức bảo tồn, chuyên gia cũng khuyến nghị Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học tiếp tục nghiên cứu, đề cập tới các giải pháp cụ thể hơn về công tác bảo tồn các loài chim, đặc biệt là các loài chim nước, chim di cư; cũng như cập nhật cơ sở dữ liệu liên tục về môi trường sống cũng như sự tăng-giảm của các loài chim nước, chim di cư để kịp thời có hướng bảo vệ.

Theo vietnamplus.vn

.