Xã hội

Giám sát 24/7 tàu cá Đà Nẵng hoạt động trên biển

07:52, 09/12/2024 (GMT+7)

Đà Nẵng hiện có 594/602 tàu cá chiều dài từ 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên biển. Đối với 8 phương tiện chưa lắp đặt thiết bị, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã yêu cầu chủ tàu tạm ngừng hoạt động để xác minh nguyên nhân, từ đó đề xuất phương án xử lý phù hợp.

Ngư dân Đà Nẵng thường xuyên theo dõi thiết bị giám sát hành trình để bảo đảm hoạt động khai thác thủy sản diễn ra đúng quy định. Ảnh: HUỲNH LÊ
Ngư dân Đà Nẵng thường xuyên theo dõi thiết bị giám sát hành trình để bảo đảm hoạt động khai thác thủy sản diễn ra đúng quy định. Ảnh: HUỲNH LÊ

Ngư dân Tăng Thượng Phục, chủ tàu DNa 90866TS (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, năm 2020, được sự vận động của Chi cục Thủy sản, ông nhanh chóng hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá VMS. Từ khi gắn thiết bị giám sát hành trình, hoạt động khai thác, đánh bắt cá trên biển diễn ra thuận lợi bởi ông “không chỉ biết rõ vị trí vùng biển mà có thể cập nhập tình hình thời tiết, mưa bão để đưa tàu về nơi tránh trú an toàn, đặc biệt vào mùa mưa”. Theo ông, thiết bị giám sát hành trình giúp ngư dân nâng cao ý thức tuân thủ quy định về luật biển quốc tế và hỗ trợ liên lạc với cơ quan chức năng trong trường hợp khẩn cấp.

Sở hữu hai chiếc tàu công suất lớn ĐNa 91282TS và ĐNa 91095TS, anh Nguyễn Phương Bình (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho hay, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình giúp anh giảm đáng kể chi phí ra khơi nhờ những thông tin liên quan đến hoạt động đánh bắt được ngành chức năng cập nhập liên tục. “Trước đây, để tìm được ngư trường có nguồn cá dồi dào, chúng tôi mất nhiều thời gian dò tìm, tốn kém nhiên liệu. Giờ đây, nhờ thiết bị giám sát hành trình và sự hỗ trợ thông tin từ Chi cục Thủy sản, mỗi con tàu dễ dàng xác định được khu vực khai thác phù hợp, qua đó tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả đánh bắt”, anh Bình chia sẻ.

Việc tuân thủ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là một trong những yêu cầu bắt buộc để ngành thủy sản đáp ứng quy định quốc tế về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu, mở rộng cơ hội xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn. Ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, khẳng định thiết bị giám sát hành trình là công cụ quan trọng trong công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua hệ thống giám sát, cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi vị trí, lộ trình hoạt động tàu cá và kịp thời phát hiện trường hợp vi phạm vùng biển khai thác, hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố trên biển.

Theo ông Khánh, hiện có 594/602 tàu cá chiều dài từ 15m tại Đà Nẵng lắp đặt thiết bị giám sát và được cơ quan chức năng giám sát 24/7. Cụ thể, thành phố Đà Nẵng đã phân quyền quản lý khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá cho Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Đồn Biên phòng Phú Lộc, Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng An ninh kinh tế (Công an thành phố), Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá và Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh thành phố phối hợp theo dõi, giám sát 24/7.

Để tiếp tục duy trì hoạt động giám sát, Chi cục Thủy sản phối hợp các đơn vị lập danh sách theo dõi, xác minh trường hợp tàu cá mất kết nối hệ thống VMS trên 6 giờ, trên 10 ngày hoặc trên 6 tháng; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm khai thác IUU, định kỳ 2 tuần/lần báo cáo kết quả. “Nhờ tăng cường hoạt động giám sát, quản lý nên đến nay Đà Nẵng chưa có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý”, ông Khánh thông tin thêm.

Thời gian tới, để hạn chế tình trạng mất kết nối VMS, Đà Nẵng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình khẩn trương rà soát, nâng cấp tính năng nhằm đáp ứng các thông số kỹ thuật theo nội dung Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Nghiên cứu, bổ sung tính năng cảnh báo bằng âm thanh liên tục khi tàu cá di chuyển qua các vùng khai thác (ven bờ, lộng, khơi, ranh giới cho phép khai thác trên biển) và khi tàu cá bị mất tín hiệu kết nối VMS. Cùng với đó, yêu cầu đơn vị cung cấp kịp thời sữa chữa, khắc phục sự cố thiết bị, tạo thuận lợi cho ngư dân tiếp tục ra khơi.

HUỲNH LÊ

.