Xã hội
Danh y lỗi lạc trong lịch sử y học dân tộc
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh y lỗi lạc trong lịch sử y học dân tộc với kiến thức uyên thâm, tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông là người dựng “ngọn cờ đỏ thắm” trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng ngời về y đức, y đạo, y thuật cho muôn đời noi theo.
Tượng đài Lê Hữu Trác tại quần thể khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: BÁO HÀ TĨNH |
Danh nhân văn hóa
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, sinh năm Giáp Thìn 1724 tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Thuở nhỏ Lê Hữu Trác nổi tiếng học giỏi, năm 16 tuổi thân phụ qua đời nên ông phải rời kinh thành về quê chịu tang và trông nom gia đình. Tại quê nhà, Lê Hữu Trác chăm lo đèn sách để tiến thân bằng khoa cử, nhưng chỉ thi đến bậc Sinh đồ rồi nghỉ.
Do đau yếu triền miên, Lê Hữu Trác đến nhà thầy thuốc Trần Độc ở Thành Sơn chữa bệnh. Trong dịp này, ông được đọc sách “Phùng Thị cẩm nang” của Phùng Triệu Trương - danh y dưới triều nhà Thanh (Trung Hoa). Qua bàn luận, nhận thấy Lê Hữu Trác là người am hiểu lý luận âm dương của nghề thuốc, thầy Trần Độc truyền dạy nghề thuốc cho ông. Từ đó, Lê Hữu Trác chuyên tâm học nghề làm thuốc, chữa bệnh cứu người...
Năm 1758, Lê Hữu Trác lên Kinh thành Thăng Long nhằm trau dồi nghề nghiệp, nhưng không tìm được thầy giỏi nên quay về đọc sách, nghiên cứu y dược. Ông tiếp tục nghiên cứu, hiểu được dịch lý, âm dương trong kinh điển y học “Phùng Thị cẩm nang”. Nhờ đó, ông đã chữa khỏi bệnh cho hai người con gái của mình và bắt đầu chữa bệnh cho những người trong họ, trong làng. Ít năm sau, Lê Hữu Trác hành nghề thuốc, chữa bệnh, dạy học trò, nghiên cứu sách y học, trao đổi lý luận, biên soạn và hoàn thành cơ bản bộ sách Lãn Ông tâm lĩnh vào năm 1770.
Lê Hữu Trác mất ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791). Sau khi qua đời, các bài thuốc và sách của Lê Hữu Trác đều được lưu truyền, sử dụng rộng rãi; các di sản y học, văn học, y đức của ông được nhiều thế hệ học trò, các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao và học tập, noi theo. Với những công lao, cống hiến to lớn đối với nền y học Việt Nam và thế giới, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc vinh danh là “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025”.
Tấm gương sáng ngời, mẫu mực về y đức
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người đầu tiên đưa ra những quan điểm mới về y đức trong lịch sử y học Việt Nam và y đức cũng là một trong những tư tưởng lớn nhất được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm của ông. Lê Hữu Trác luôn coi nghề y là một nhân thuật - một nghệ thuật của lòng thương người và trách nhiệm đối với bệnh nhân.
Theo ông, một thầy thuốc giỏi không chỉ cần có kiến thức y học sâu rộng mà cần phải có tấm lòng từ bi, biết cảm thông và chia sẻ với nỗi đau của người bệnh. Đây là một tư tưởng hết sức tiến bộ và nhân văn, nhấn mạnh việc thầy thuốc phải luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hết, phải xem việc cứu người là sứ mệnh cao cả. Tư tưởng này đã góp phần quan trọng xây dựng nên nền tảng y đức của y học Việt Nam. Ông cho rằng: “Đạo y là một nhân thuật, chuyên lo cho tính mệnh con người, phải biết lo lắng cái lo của người, cùng vui với cái vui của người, chỉ lấy việc làm sống người làm phận sự của mình, không được mưu lợi, kể công”.
Đối với bệnh nhân, Lê Hữu Trác không nề hà khó nhọc, vất vả đến thăm khám trực tiếp, chu đáo rồi mới kê đơn. Ông xem “cái bệnh” là đối tượng số một, bệnh nguy cấp cần chữa trước, tùy trường hợp mà giải quyết kịp thời và chu đáo, bệnh cần dùng thuốc gì dùng thuốc đó dù là thứ đắt tiền. Có trường hợp bệnh nhân khỏe rồi, nhưng nghèo khổ, Lê Hữu Trác còn chu cấp thêm cho tiền gạo...
Phương pháp điều trị của Lê Hữu Trác không chỉ dừng lại ở việc chữa triệu chứng mà còn bao gồm việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Quan điểm này rất gần với khái niệm y học toàn diện ngày nay, trong đó việc chăm sóc sức khỏe không chỉ dừng lại ở việc điều trị bệnh tật mà còn tập trung vào việc cải thiện trạng thái tinh thần và nâng cao thể lực toàn diện của bệnh nhân.
Trên cơ sở quan niệm dân gian và kế thừa tư tưởng “nam dược trị nam nhân” của Đại danh y Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác đã dày công đúc kết, sáng tạo cả về mặt lý luận và thực tiễn xây dựng một nền y học độc lập, tự chủ, phù hợp với phong thổ Việt Nam, dược liệu Việt Nam. Đặc biệt, bộ sách nổi tiếng Hải Thượng Y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển là công trình tâm huyết cả đời thầy thuốc của ông và được nhân dân gìn giữ, sưu tập. Bộ sách có giá trị lớn về khoa y dược, góp phần khẳng định chân lý riêng của nền y học cổ truyền Việt Nam, gắn liền kinh nghiệm thực tiễn, phù hợp với phong thổ và dược liệu Việt Nam; thể hiện bản chất tốt đẹp của một nền y học thuần Việt, thấm nhuần đạo đức và đầy tính nhân văn, nhân đạo.
Tư tưởng Lê Hữu Trác không chỉ ảnh hưởng sâu rộng đến nền y học cổ truyền Việt Nam mà còn tiếp tục có giá trị trong bối cảnh y học hiện đại. Những triết lý của ông về y đức, y lý, y thuật không chỉ là kim chỉ nam cho ngành y cổ truyền mà còn là những nguyên tắc cốt lõi mà y học hiện đại đang hướng tới.
LÊ HÙNG
Theo tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương - Tỉnh ủy Hà Tĩnh