Xã hội
Nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân, người lao động
Bên cạnh việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất, việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, người lao động được các cấp Công đoàn thành phố quan tâm, đặc biệt là phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa trở thành nơi gắn kết người lao động.
Hơn 15 năm đi vào hoạt động, Nhà Văn hóa Lao động thành phố Đà Nẵng luôn thực hiện tốt chức năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, cán bộ hưu trí, con em người lao động. Trong năm 2024, Nhà Văn hóa phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đoàn viên, người lao động tham gia như chương trình “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ 2024”; chương trình “Tổng kết hoạt động Nhà Văn hóa Lao động năm 2023 và giao lưu Chào năm mới 2024”; vận động tổ chức “Ngày hội Bánh chưng xanh”; ngày hội “Hiến máu tình nguyện”; chương trình hòa nhạc “Guitar Cổ điển”; chương trình nghệ thuật “ Điện Biên - Ngày trở lại” và các hội thao do các cấp công đoàn tổ chức.
Theo Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động Nguyễn Thị Tuyết Nhung, hiện nay nhà văn hóa có 26 câu lạc bộ với hơn 1.000 hội viên. Nhà văn hóa thực hiện hợp tác, liên kết để thành lập các CLB nhằm tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo nhiều sân chơi cho hội viên là công nhân, người lao động.
“Chúng tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức sự kiện, không ngừng đa dạng hóa các hình thức hoạt động, lắng nghe ý kiến về nhu cầu thực tế của đoàn viên người lao động. Đồng thời, chủ động tổ chức và phối hợp tổ chức, phục vụ nhiều hoạt động bảo đảm uy tín, chất lượng, thu hút hàng chục nghìn lượt người đến tham gia. Đặc biệt, đến nay nhà văn hóa có thể đảm trách tổ chức xuyên suốt một chương trình, sự kiện có quy mô lớn. Thời gian đến sẽ khảo sát tổng thể khuôn viên để đề xuất cải tạo, đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa như hội trường đa năng, hội trường B, một số phòng chức năng.. nhằm thu hút các hoạt động, tạo điểm đến hấp dẫn cho đoàn viên, người lao động”, bà Nhung cho biết.
Theo Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung, Khu công nghiệp Hòa Khánh được đầu tư Trung tâm Văn hóa thể thao công nhân (đường số 2 Khu công nghiệp Hòa Khánh). Trung tâm là nơi thường xuyên tổ chức các giải thể thao cho công nhân, các hoạt động chăm lo cho người lao động, tổ chức tuyên truyền pháp luật, hiến máu tình nguyện,…
Để phát huy hiệu quả của trung tâm, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng có hướng dẫn các công đoàn cơ sở triển khai xây dựng và đưa kế hoạch hoạt động các chương trình, tổ chức các sân chơi cho đoàn viên, công nhân, người lao động sau giờ làm. Bên cạnh đó, trong năm qua, với sáng kiến “Điểm sinh hoạt văn hóa Công đoàn” tại các doanh nghiệp, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tiếp tục thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động các công đoàn cơ sở.
Sau khi đi vào hoạt động, các điểm sinh hoạt là nơi để công nhân lao động chia sẻ, thưởng thức, tham gia các hoạt động tập thể của công đoàn cơ sở giúp tái tạo sức lao động cho đoàn viên trước khi tiếp tục công việc. Đến nay, công đoàn ra mắt 5 điểm sinh hoạt tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian đến, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng sẽ nhân rộng mô hình này tại các doanh nghiệp có 200 lao động trở lên, chú trọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thành phố có chủ trương hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng Nhà Văn hóa Lao động phía đông. Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Văn Đại, tại Khu công nghiệp Đà Nẵng và Khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà) hiện vẫn chưa được đầu tư thiết chế văn hóa. Bên cạnh đó, người dân tại khu vực cũng đang thiếu nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi và rèn luyện thể thao. Vì vậy, việc thành phố đầu tư xây dựng Nhà Văn hóa Lao động phía đông là chủ trương rất đúng đắn, kịp thời, đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của công nhân, người lao động và người dân sinh sống tại địa phương.
Ông Lê Văn Đại cho biết, Nhà Văn hóa Lao động phía đông thành phố sẽ được xây dựng trên khu đất ký hiệu C1 (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), vị trí 4 mặt tiền đường Vân Đồn-Chu Huy Mân-Vũng Thùng 8-Vùng Thùng 9, diện tích khoảng 7.423m2. Trong đó, diện tích dành cho văn hóa là 6.434m2 và diện tích đất siêu thị mini khoảng 1.000m2. Tổng mức đầu tư dự án là 52 tỷ đồng, trong đó, thành phố hỗ trợ 26 tỷ đồng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư 26 tỷ đồng.
XUÂN HẬU