Xã hội

Tai nạn giao thông, nỗi đau còn đó

07:48, 07/12/2024 (GMT+7)

Tai nạn giao thông không chỉ là nỗi đau mất mát người thân, nỗi đau về thể xác do thương tật mà còn khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ về kinh tế…

Lãnh đạo thành phố, Ban ATGT, các sở, ban, ngành thăm nạn nhân một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn thành phố.  Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Lãnh đạo thành phố, Ban ATGT, các sở, ban, ngành thăm nạn nhân một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn thành phố. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Nhân Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, Ban An toàn giao thông thành phố cùng các ban, ngành, đoàn thể đến thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong số 10 gia đình được thăm hỏi đa phần có hoàn cảnh hết sức khó khăn và thương tâm.

Điển hình như ông T.C.B. (1962, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) bị tai nạn giao thông vào năm 2022 dù được điều trị tích cực nhưng sức khỏe suy kiệt nặng, nằm một chỗ không thể vận động trong thời gian dài. Đến đầu tháng 9-2024, ông B. có thể đi lại chập chững, nhưng mất sức khỏe nên không thể đi làm. Hiện ông phải nuôi mẹ già ngoài 80 tuổi, gia đình thuộc diện hộ nghèo, phụ thuộc trợ cấp của địa phương. “Giá như ngày đó tôi tham gia giao thông cẩn thận hơn thì giờ đã không bị như vậy, mong mọi người ra đường điều khiển xe cộ cẩn thận, an toàn”, ông B. chia sẻ…

Trường hợp chị N.T.H. (1990, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) bị tai nạn giao thông trên đường Trường Sa vào tháng 10-2024 khiến chị vỡ sọ não, dập phổi, gãy xương đòn. Chị H. đang được điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Thương tâm hơn khi chị là mẹ đơn thân, làm lao động tự do, không có công việc ổn định, một mình nuôi 2 con nhỏ học lớp 8 và lớp 11. Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn, lại bị tai nạn giao thông khiến cuộc sống gia đình chị rơi vào cảnh cùng cực. Một hoàn cảnh khác là anh Đ.X.Th. (1997, phường Bình Thuận, quận Hải Châu), lao động chính trong gia đình nhưng bị tai nạn giao thông và đã tử vong khi đang trên đường đi làm về. Nỗi đau tiếp nối nỗi đau, ít lâu sau, bố anh Th. là Đ.V.Ph. cũng không may qua đời. Gánh chịu nỗi đau quá lớn, mẹ anh lâm bệnh nặng đi khám thì phát hiện bị bệnh hiểm nghèo và đang điều trị tích cực. Hiện bà sống nhờ hỗ trợ của họ hàng, hai trụ cột của gia đình không còn, cuộc sống rất chật vật...

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông hằng năm, trên địa bàn thành phố có thêm hàng chục, hàng trăm nạn nhân bị tai nạn giao thông. Ngoài những cái chết, tai nạn giao thông còn để lại hậu quả âm ỉ. Có những trường hợp tai nạn giao thông bị thương nặng phải sống đời sống thực vật. Những nỗi đau, mất mát này không chỉ riêng bản thân người bị nạn, mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chính vì thế, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, chia sẻ với gia đình những nạn nhân, để họ có thêm điểm tựa tiếp bước trong cuộc sống. Mỗi người cần nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm các quy định, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Qua việc thăm hỏi gia định nạn nhân tai nạn giao thông vừa qua, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, kiêm Phó trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố Bùi Hồng Trung đã động viên nạn nhân và người thân; đồng thời bày tỏ hy vọng các gia đình tiếp tục vượt qua những nỗi đau, mất mát, nỗ lực điều trị, phục hồi sức khỏe, không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Ban An toàn giao thông thành phố mong muốn người dân nâng cao hơn nữa ý thức khi tham gia giao thông, điều khiển phương tiện an toàn, chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về giao thông, góp phần xây dựng văn hóa, văn minh giao thông, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện...

GIA MINH

.