Xã hội
Xây dựng con người Đà Nẵng trong thời kỳ mới
Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế. Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: đầu tư phá triển văn hóa, con người đồng bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế, đưa hình ảnh thành phố Đà Nẵng văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế... Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa xứ Quảng, đến nay việc hình thành và xây dựng con người Đà Nẵng với bản sắc văn hóa riêng đã có những kết quả nhất định.
Du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc chăm. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG |
Bản sắc văn hóa truyền thống
Kể từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thành phố không ngừng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức trong xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, con người đối với sự phát triển có nhiều chuyển biến tích cực. Các giá trị mới về văn hóa, con người của thời kỳ công nghiệp hóa, hội nhập đang hình thành và được khẳng định. Kết quả việc xây dựng hình ảnh con người Đà Nẵng văn minh - thân thiện đã bước đầu tạo được những điểm nhấn có tính đặc trưng, “thương hiệu” đối với du khách trong nước và quốc tế.
Dưới góc nhìn địa văn hóa, Đà Nẵng nằm trong vùng đất được tôn vinh “Ngũ phụng tề phi”, địa linh nhân kiệt, gắn liền với truyền thống hiếu học và say mê sáng tạo, là vùng đất hội tụ cả văn hóa biển, văn hóa nông nghiệp và văn hóa đô thị. Người Đà Nẵng có truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần tranh đấu kiên cường từ trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp còn ghi dấu các di tích như Thành Điện Hải, Khu căn cứ cách mạng K20, Khu căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước...
Ông Bùi Xuân, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, cho rằng khi sống trên mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, các thế hệ đều ảnh hưởng bởi giá trị đó, được giá trị đó bồi đắp để có được bề dày về tri thức và lịch sử, qua đó làm giàu thêm giá trị văn hóa lịch sử con người một địa phương. Tâm hồn con người cũng trở nên sâu sắc hơn.
“Phải nói rằng, Đà Nẵng có môi trường tự nhiên thuận lợi. Thành phố có biển, sông, núi… Bản thân tự nhiên của Đà Nẵng đã là văn hóa. Bên cạnh con người Đà Nẵng là con người lịch sử vì đứng trên mảnh đất đầu sóng ngọn gió, trực tiếp chống thực dân Pháp xâm lược và quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam. Để sống trong môi trường đó, con người Đà Nẵng cũng đồng thời là con người văn hóa”, ông Bùi Xuân chia sẻ.
Trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống đó, kết hợp với sức ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn hóa Đà Nẵng hiện nay vừa lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, vừa mang những nét văn hóa hiện đại của một đô thị trẻ, văn minh. Các giá trị văn hóa truyền thống được người Đà Nẵng lưu giữ và phát triển hàng thế kỷ qua đã tạo nên sức mạnh văn hóa nội tại, định hình cá tính khác biệt cho mảnh đất và con người Đà Nẵng.
Xây dựng con người văn minh, thân thiện
Người Đà Nẵng với bản chất chất phác, bình dị, phóng khoáng của người xứ biển, cùng với sự thân thiện, cởi mở, tử tế và mến khách đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với du khách và người dân trong nước. Trên nền tảng văn hóa xứ Quảng cùng với việc kiên trì thực hiện mục tiêu “Có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, đến nay thành phố đã xây dựng được mặt bằng văn hóa ứng xử khá cao, thể hiện được tính cách cư dân đô thị biển. Đó là nếp sống vừa đón nhận những yếu tố văn minh hiện đại, vừa giữ được những đặc trưng của văn hóa truyền thống.
Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh cho rằng, khi nói về văn hóa con người Đà Nẵng, thì văn hóa xứ Quảng là cái gốc. Trong quá trình phát triển có sự giao lưu nhưng vẫn giữ bản sắc con người của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, mà cốt lõi là con người xứ Quảng, đó là con người sống nghĩa tình, thuần hậu. Bên cạnh đó là xây dựng một xã hội học tập, thượng tôn pháp luật và gìn giữ nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử.
Việc xây dựng một thành phố của văn hóa nghệ thuật sẽ góp phần đưa văn hóa nghệ thuật vào nuôi dưỡng tâm hồn con người, làm cho con người ứng xử với nhau nhẹ nhàng và hài hòa. Đặc biệt, cần tôn trọng sự khác biệt về văn hóa để thành phố phát triển, những người dân đến Đà Nẵng sẽ làm giàu thêm văn hóa Đà Nẵng. Họ không chỉ hiểu biết về văn hóa xứ Quảng, mà còn mang những nét văn hóa của vùng đất khác đến để làm giàu thêm nét văn hóa của người Đà Nẵng. Chính những người nơi khác đến thấy được sự tôn trọng của vùng đất này sẽ giúp họ gắn bó lâu dài và cống hiến cho Đà Nẵng.
Nhằm phát huy những thành tựu đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn để xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, làm nền tảng và động lực cho sự phát triển bền vững, UBND thành phố đã ban hành đề án Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, làm nền tảng xây dựng thành phố an bình, đáng sống, hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030.
Đề án sẽ tập trung vào hai nội dung trọng tâm là xây dựng, phát triển văn hóa và con người Đà Nẵng nhằm đánh giá, tổng hợp các nguồn lực và giải pháp trên lĩnh vực văn hóa - xã hội vào phát triển con người cũng như tạo chuyển biến mãnh mẽ trong văn hóa để xây dựng hệ giá trị con người Đà Nẵng trong thời kỳ mới.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG