Ngày 16-3, PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch - Lồng ngực Bệnh viện Việt Đức cho biết, hôm qua, sau hơn 10 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật ghép tim cho bé Nguyễn Thành Đạt (10 tuổi, Hà Nội) đã thành công tốt đẹp. Đây là ca ghép tim cực kỳ khó khăn lần đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện, từ quả tim người lớn hiến tặng ghép sang bệnh nhi nhỏ tuổi.
Bé Đạt bị giãn cơ tim, suy tim giai đoạn cuối đang nằm điều trị cấp cứu trước khi được phẫu thuật tim |
Bệnh nhi Nguyễn Thành Đạt (thôn Tiền Huân, xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chính là hoàn cảnh nhân ái do báo Dân trí phản ánh trong bài: “Tình cảnh nguy kịch của bé 10 tuổi cần được ghép tim” (Mã số 2470) trên chuyên mục Tấm lòng Nhân ái.
Bé Nguyễn Thành Đạt được phát hiện bị bệnh tim từ vài tháng trước, với biểu hiện ho, tức ngực, khó thở, liên tục nằm hồi sức ở bệnh viện, và nhờ có thuốc hỗ trợ nên mới duy trì được đến nay. Tuy nhiên, hai tháng trở lại đây, bệnh tình đã trở nặng do em bị giãn cơ tim, suy tim giai đoạn cuối, mà cách duy nhất để cứu mạng sống là phải ghép tim thì mới sống được.
Sự nguy kịch của bé Đạt được bác sĩ Ước ví von: “Với người bình thường chỉ cho một tí thuốc trợ tim thì tim đập như con voi, còn với cháu Đạt này thì cho cả con voi, tim cháu vẫn chỉ đập có một tí. Mọi phương pháp điều trị cho cháu Đạt là gần như không còn tác dụng nữa, giờ cháu chỉ có một cơ hội sống duy nhất là được ghép tim”.
Trong lúc bế tắc nhất thì bé Đạt may mắn được một người hiến tạng. Đó là bệnh nhân N.T.S.H (34 tuổi) chẩn đoán u gan từ năm 2014 và đã được phẫu thuật, điều trị hóa chất nhiều đợt tại bệnh viện Việt Nam và Singapore nhưng cuối cùng vẫn không cứu được tính mạng.
“Đây là cơ hội vàng để ghép tim cho bé Đạt vì lượng người hiến tạng rất ít. Cả nước một năm chỉ có 2, 3 trường hợp chết não hiến tạng. Đặc biệt ghép tim cho trẻ con, cơ hội tìm được người hiến phù hợp gần như là không tưởng. Tuy nhiên, bé Đạt may mắn có người hiến tạng đã đành, nhưng để thực hiện ca ghép tim chúng tôi gặp nhiều vấn đề vô cùng nan giải”, PGS-TS Nguyễn Hữu Ước chia sẻ.
Theo bác sĩ Ước, khó khăn đầu tiên là sự phù hợp về mặt kích thước tim giữa người cho và người nhận ở Việt Nam. Đối với ghép tim người lớn thì không cần đo đạc kỹ lưỡng, mà chủ yếu dựa vào phù hợp cân nặng và chiều cao. Với cân nặng giữa người cho và người nhận vênh nhau dưới 20%, tức tỷ lệ cho và nhận dưới 1,2 thì ghép rất tốt, từ 1,2-1,3 có thể ghép nhưng khó khăn, 1,3-1,5 rất hạn chế chỉ định ghép, trên 1,5 là không có chỉ định ghép tim.
“Nhưng riêng trường hợp của bé Đạt, nếu so sánh cân nặng hiện tại thì vênh nhau gấp 3 lần tức là 3,0. Nếu dựa vào cân nặng trước khi bị ốm thì vênh nhau 2,0. Trên thế giới tỷ lệ vênh nhau trung bình là 1,5-2,0 và mức tối đa là 4,7 theo báo cáo thế giới. Vì vậy trường hợp bé Đạt vẫn có thể chỉ định ghép với mức độ tương đối khó”, bác sĩ Ước nói.
Về mặt kỹ thuật khó đã đành, một vấn đề khó khăn không kém là kinh phí để thực hiện ca phẫu thuật tim. Theo bác sĩ Ước, với ca phẫu thuật ghép tim này, bệnh viện Việt Đức phải huy động toàn bộ nhân lực ở nhiều lĩnh vực chuyên sâu, sử dụng máy móc kỹ thuật cao với chi phí ước tính khoảng 700 triệu đồng.
Để cứu con, mẹ của bé Đạt là chị Nguyễn Thị Mai Phương đã phải bán nhà, vay mượn các nơi nhưng cũng chỉ có được 200 triệu đồng, không đủ kinh phí cho ca phẫu thuật.
“Thật may là với sự vào cuộc của báo Dân trí, sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, chỉ sau một ngày gia đình bé Đạt đã tạm thời được hỗ trợ thêm một phần kinh phí để phẫu thuật. Cũng từ tấm lòng của bạn đọc dành cho bé Đạt nên chúng tôi quyết tâm bằng mọi cách cứu sống cháu bé. Đến thời điểm này chúng tôi rất mừng là ca ghép tim dành cho bé Đạt đã thành công tốt đẹp. Sau ghép các chỉ số đã ổn định, bệnh nhân đã tự thở, chức năng gan phục hồi. Hiện tại bé đang được nằm điều trị hồi sức sau mổ, và hi vọng bé sớm khỏe mạnh trở lại”, bác sĩ Ước khẳng định.
Một người chết hiến tạng có thể cứu sống được 4 người Ngoài việc bé Đạt được ghép tim, Bệnh viện Việt Đức còn thực hiện thành công 2 ca ghép thận và một ca ghép gan cho 3 bệnh nhân khác cùng ngày 15/3 từ việc hiến tạng của bệnh nhân N.T.S.H. "Một người chết não mà gia đình họ đồng ý hiến tạng có thể cứu sống được 4 người khác, nhưng việc đồng ý hiến tạng sau khi chết ở Việt Nam hiện vẫn đang rất hiếm hoi", PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch - Lòng ngực Bệnh viện Việt Đức cho biết. |
Theo Dân trí