Y tế - Sức khỏe

Thiếu bác sĩ tại các cơ sở y tế - Bài 1: Tuyển thêm vẫn thiếu

08:08, 30/03/2017 (GMT+7)

Dù đã triển khai nhiều giải pháp thu hút nguồn nhân lực nhưng tình trạng thiếu bác sĩ vẫn xảy ra tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

Hiện 23/56 trạm y tế xã, phường thiếu bác sĩ. TRONG ẢNH: Y sĩ Nguyễn Hồng Tưởng, trạm y tế xã Hòa Phước đang khám bệnh.
Hiện 23/56 trạm y tế xã, phường thiếu bác sĩ. TRONG ẢNH: Y sĩ Nguyễn Hồng Tưởng, trạm y tế xã Hòa Phước đang khám bệnh.

Theo thống kê của Sở Y tế, hiện các trung tâm y tế quận, huyện, bệnh viện chuyên ngành và trạm y tế (TYT) xã , phường đều thiếu bác sĩ. Riêng các xã, phường hiện chỉ có  23/56 đơn vị có bác sĩ cơ hữu tại trạm. Nhân lực thiếu, chuyên môn hạn chế nên nhiều giải pháp khám, chữa bệnh (KCB) phải dừng lại vì quy định không cho phép.

Liệu cơm gắp mắm

TYT xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) hiện chỉ vẻn vẹn 7 cán bộ, nhân viên đảm nhiệm việc KCB cho hơn 15.000 người dân trên địa bàn xã. Việc tuyển bác sĩ về trạm được thực hiện trong suốt 3 năm nay nhưng vẫn chưa có kết quả. Trong 5 năm qua, cơ sở này được trang bị 2 máy điện tim nhưng theo y sĩ Nguyễn Ngọc Ba, Trưởng TYT xã, do trạm thiếu bác sĩ nên không sử dụng được các thiết bị này.

Vì thế, bằng kinh nghiệm suốt 28 năm làm trạm trưởng, xét thấy bệnh nhân có dấu hiệu nặng, y sĩ Ba đều cho… chuyển lên tuyến trên vì không dám đọc, khám kết quả. “Công việc của chúng tôi chỉ là khám lâm sàng bình thường.

Việc sử dụng và đọc kết quả máy điện tim, siêu âm là không được vì quy định không cho phép, chỉ có bác sĩ mới được làm những việc này”, y sĩ Ba cho biết. Cũng theo phản ánh của cơ sở y tế này, với số lượng chỉ có 7 cán bộ, nhân viên nhưng hiện nay họ phải đảm nhận khối lượng công việc quá lớn.

Ngoài chuyên môn KCB theo phân công, trạm phải cử một người phụ trách bảo hiểm y tế, một người tham gia công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, triển khai 12 chương trình y tế quốc gia hằng năm, chưa kể các loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, thủy đậu... nếu bùng phát thì khối lượng công việc làm không xuể.

Đó cũng là thực trạng của TYT xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang). Cử nhân hộ sinh Nguyễn Thị Tâm, Trưởng TYT xã chia sẻ: “Một số quy định mới trong lĩnh vực y tế vừa ban hành cho phép các TYT xã, phường có điều kiện vận dụng thu, chi trong KCB, thậm chí triển khai đề án bác sĩ gia đình ngay tại địa phương nhưng vì không có bác sĩ nên những kế hoạch này không thể triển khai. Chúng tôi chỉ liệu cơm gắp mắm theo đúng chuyên môn, năng lực cho phép”, bà Tâm cho biết.

Những năm qua, để giải quyết bài toán thiếu bác sĩ tại các TYT xã, các trung tâm y tế quận, huyện đều tăng cường bác sĩ đi cơ sở 2 buổi/tuần. Tuy nhiên, theo phản ánh của các TYT được tăng cường, việc làm này chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, bởi bác sĩ phải luôn có mặt thường xuyên để sẵn sàng xử lý kịp thời mọi tình huống.

Liên tục tuyển thêm

Trong số các bệnh viện tuyến quận, huyện, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang được đầu tư khá khang trang, hoàn chỉnh. Từ năm 2013, bệnh viện này được đầu tư nâng cấp, xây mới với quy mô 150 giường, 8 phòng, khoa chức năng và KCB.

Đến tháng 5-2016, dãy nhà 5 tầng (thuộc giai đoạn 2) được khánh thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, kèm theo đầy đủ trang thiết bị cùng 4 phòng mổ hiện đại. Tuy nhiên, trong số hơn 237 cán bộ, nhân viên, Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang hiện có chưa tới 40 bác sĩ.

Năm 2016, 11 bác sĩ đã được tuyển dụng nhưng với nhu cầu phát triển như hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang vẫn cần thêm 15 bác sĩ trong năm 2017. Hiện bệnh viện được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại như máy siêu âm màu J16 (trang bị cho khoa Siêu âm-Chẩn đoán hình ảnh với tính năng, mức độ hiện đại chỉ đứng sau Bệnh viện Đà Nẵng), thiết bị điện cơ, nội tiêu hóa, thiết bị cắt lớp vi tính...

Để đáp ứng nhu cầu KCB cho khoảng 600 bệnh nhân mỗi ngày, cũng như phát huy hết công năng, Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang phải hợp đồng với các bác sĩ về hưu, bác sĩ đang làm việc ở bệnh viện tuyến trên.

Khổ nhất trong việc thiếu bác sĩ phải kể đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đà Nẵng. Suốt 11 năm qua, bệnh viện liên tục thông báo tuyển dụng nhưng đến nay vẫn còn thiếu đến 10 bác sĩ. “Năm 2015, Đề án 922 có bổ sung cho bệnh viện 1 bác sĩ nhưng đã xin nghỉ từ cuối 2016.

Vừa qua, Đề án này cũng bổ sung thêm 2 người nhưng kết quả là họ không chịu về dù bệnh viện đã hết sức năn nỉ”, bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đà Nẵng cho biết. Quy mô bệnh viện 100 giường nhưng chỉ có 7 bác sĩ trực tiếp KCB cho bệnh nhân, vì thế, các bác sĩ phải làm việc gấp 2 - 3 lần để đáp ứng nhu cầu người bệnh, hoàn toàn không có thời gian đi học bồi dưỡng, nâng cao tay nghề.

Theo Sở Y tế thành phố, tính đến cuối năm 2016, hàng loạt cơ sở y tế như các trung tâm y tế quận, huyện, bệnh viện chuyên ngành như Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Trung tâm Cấp cứu, Trung tâm Pháp y... đều phản ánh tình trạng thiếu bác sĩ.

Thậm chí, bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế như Bệnh viện Đà Nẵng vẫn đang đối mặt tình trạng thiếu bác sĩ. Theo bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, hiện cơ sở y tế này thiếu khoảng 30 bác sĩ. Vừa qua, bệnh viện thông báo tuyển dụng 10 bác sĩ nhưng chỉ nhận được 2 người.

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh mới đây, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã đề xuất lãnh đạo thành phố tạo điều kiện cho bệnh viện có cơ chế riêng chủ động tuyển dụng nguồn nhân lực phù hợp tình hình mới.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

.