Đà Nẵng cuối tuần

Sâm đá hay Nhương lê kim cang

08:51, 19/03/2017 (GMT+7)

Một đồng nghiệp từ Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa (huyện Hòa Vang Đà Nẵng) gửi cho tôi ảnh một cây thuốc gọi là “Sâm đá” hay “Sâm xuyên đá” mà có người mang đến kèm lời đồn đại rằng đó là loài sâm quý mới phát hiện ở Hoàng Liên Sơn, “là bậc thầy của các loại sâm ở núi rừng phía bắc”.

Tác giả bài viết và dây Nhương lê kim cang trên núi Sơn Trà. Ảnh: P.C.T
Tác giả bài viết và dây Nhương lê kim cang trên núi Sơn Trà. Ảnh: P.C.T

Nhìn tấm ảnh, tôi có cảm giác loài cây này quen quen, dường như từng gặp đâu đó. Ngày hôm sau, rủ một thầy giáo bộ môn dược liệu ở Trường Đại học kỹ thuật Y dược, cùng lang thang vòng quanh bán đảo Sơn Trà để đi tìm cây thuốc. Tưởng chỉ hú họa, nhưng thật bất ngờ, vừa lòng vòng một đoạn dốc, thoáng thấy một lùm bụi ven đường, tôi đã reo lên khi phát hiện được loài dây leo có thân vuông, lá đơn mọc đối, mà mình đang cần tìm.

Chụp vài kiểu ảnh, cắt vài mẫu cành lá mang về, bỏ nguyên một buổi tối lùng sục trong sách vở và cả trên mạng Internet, cuối cùng tôi đã xác định được đó là cây Nhương lê kim cang - Myxopyrum smilacifolium, thuộc họ Nhài - Oleaceae.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, đây là loài dây leo cao tới 5m, cành non có 4 cạnh nhọn. Lá có phiến thon, dài 8-14cm, dai, không lông, gân chính 3 đi tới chóp lá; mép nguyên hay có răng thưa, cuống dài 1-2cm. Chùy hoa ở nách lá, dài 2cm, hoa nhỏ, nhiều, dài 0,7mm; tràng cao 1-1,5mm; nhị 2; bầu 2 ô, 2 noãn. Quả hình bầu dục rộng hơn cao, rộng 12mm, kết thành chùm như chùm nho; hạt 2.

Về sinh thái, cây leo lên bờ bụi, có quả từ tháng 11 đến tháng 4. Có phân bố ở Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) và Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh). Còn có ở Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia.

Để làm thuốc, người ta dùng lá. Tác giả Từ điển cây thuốc đã dẫn theo Phạm Hoàng Hộ trong Cây cỏ Việt Nam (tập 2, tr.889) có ghi nhận công dụng lá trị rối loạn thần kinh, trị tê thấp, suyễn ho. Theo một tài liệu của Ấn Độ, lá được sử dụng làm thuốc trị hen suyễn, ho, cảm lạnh, sốt, đau đầu,  thấp khớp và đau thần kinh.

Xin được nói thêm, sau khi tôi đưa thông tin vừa thu thập được lên FB, một bạn trẻ từng công tác ở Viện Dược liệu đã liên hệ xin mẫu cây này để giám định lại. Sau khi nhận được mẫu cây, anh bạn cho biết do chưa có hoa quả nên chưa có thể định danh chính xác, nhưng qua quan sát gân lá, rất có thể đó là cây Nhương lê

gân - Myxopyum nervosum. Theo Danh lục cây thuốc Việt Nam của Viện Dược liệu vừa xuất bản, thì dùng dây Nhương lê gân có thể chữa chân tay co quắp, tê bại.

Sau đó, tôi tiếp tục gửi thông tin cho một nguyên lãnh đạo khoa Tài nguyên tại Viện Dược liệu, thì được vị phó giáo sư tiến sĩ cho biết ảnh tôi gửi đúng là Nhương lê kim cang, như ảnh trong luận án tiến sĩ sinh học đề tài “Nghiên cứu phân loại họ Nhài (OLEACEAE Hoffmanns. &Link) ở Việt Nam” mà ông vừa được mời là ủy viên phản biện trong hội đồng khoa bảo vệ luận án. Ông đồng ý cho chúng tôi bổ sung cây này vào Danh lục cây thuốc Đà Nẵng đang biên soạn.

Tra thêm trong Cây cỏ Việt Nam, tôi biết thêm cùng chi này ở nước ta còn có loài Myxopyum pierrei - Nhương lê Pierrei, nhưng chưa thấy tài liệu nào ghi làm thuốc.

Như vậy, dù có là Nhương lê gân hay Nhương lê kim cang, thì điều chắc chắn chúng tôi có thể trả lời ngay là cây “Sâm đá” không phải sâm quý như  nhiều báo, đài đã đưa tin: “…Nếu bảo tồn và nhân rộng được sâm đá, thì nước ta có thêm nguồn sâm rất quý. Cũng có thể, đây sẽ là phát hiện chấn động, không kém gì việc phát hiện ra sâm Ngọc Linh từ hơn 40 năm trước”.

Xin nhắc lại một tâm niệm hơn một lần chúng tôi đã chia sẻ với bạn đọc: “Trong xã hội bùng nổ thông tin ngày nay, điều quan trọng chúng ta cần nâng cao được kiến thức và trí xét đoán tinh nhạy của những người tiếp nhận thông tin, không chỉ cho các phóng viên, biên tập viên, mà cho đến từng bạn đọc”.
Thiết tưởng, bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

PHAN CÔNG TUẤN
 

.