Từ tháng 6-2017, Tập đoàn Viettel bắt đầu thí điểm ứng dụng Hệ thống quản lý bệnh viện thông minh và Hồ sơ y tế điện tử HIS.ONE tại Trung tâm Y tế (TTYT) quận Liên Chiểu, góp phần rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh của đội ngũ y, bác sĩ cũng như rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân.
Việc sử dụng các phần mềm quản lý giúp công tác khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu diễn ra thuận lợi, tiết kiệm thời gian. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, TTYT quận Liên Chiểu là 1 trong 2 TTYT cấp quận đầu tiên trên địa bàn Đà Nẵng thực hiện số hóa đồng bộ thông tin liên quan đến công tác khám, chữa bệnh.
Với phần mềm này, tất cả các khâu như: nhập hồ sơ, quản lý hồ sơ khám và chữa bệnh nội trú, ngoại trú; quản lý dược; nghiệp vụ quản lý hành chính (khoa, phòng, nhân viên…), cho phép thực hiện thanh toán và liên thông thông tin BHYT, thanh toán viện phí; quản lý báo cáo, thống kê; quản lý các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… đều được thực hiện, lưu trữ trên máy. Đây là một trong những bước đi đầu tiên nhằm xây dựng thành phố thông minh tại địa bàn quận Liên Chiểu.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày TTYT quận Liên Chiểu đón tiếp khoảng 1.100 người dân đến khám, chữa bệnh. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Sỹ, Giám đốc TTYT quận Liên Chiểu khẳng định, hiện có khoảng 70% khối lượng công việc tại trung tâm được thực hiện trên máy. Việc thông báo thời gian trả kết quả, liên thông kết quả giữa các khoa, phòng trở nên thuận tiện, giúp bệnh nhân chủ động quỹ thời gian của mình.
Cũng theo bác sĩ Lê Văn Sỹ, trước đây, quy trình khám, chữa bệnh được thực hiện theo phương pháp lưu trữ thủ công, bệnh nhân thường chờ rất lâu nhưng tình trạng này hiện được khắc phục nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý bệnh viện.
Theo quy trình cũ, bệnh nhân đến khám nhận số thứ tự và chờ đến lượt; sau đó được cán bộ y tế gọi tên để bác sĩ thăm khám, kê toa, đến bàn nhận bệnh vào sổ rồi nhận thuốc tại quầy. Từ khi ứng dụng Hệ thống quản lý bệnh viện thông minh và Hồ sơ y tế điện tử HIS.ONE, bệnh nhân được lưu thông tin hành chính, đơn thuốc khám qua các lần, mã thẻ BHYT, được gọi tên qua hệ thống gọi số tự động để bác sĩ thực hiện việc kê toa trên máy tính. Tất cả những thao tác này được thực hiện khá nhuần nhuyễn, giúp TTYT quận Liên Chiểu quản lý tốt hồ sơ bệnh án để có phương pháp điều trị hiệu quả.
Sau gần 1 năm triển khai, chị Ngô Thị Cẩm Vân, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, TTYT quận Liên Chiểu cho biết, khối lượng công việc của chị được giảm tải rất nhiều; công tác lưu trữ hồ sơ, sổ sách cũng thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, nhờ phần mềm, nhiều cơ sở y tế phát hiện tình trạng bệnh nhân lạm dụng thẻ BHYT trong thăm khám, chữa bệnh, tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Theo quan sát của chúng tôi, dù số lượng bệnh nhân đến thăm khám khá đông nhưng mọi người đều tỏ ra hài lòng với trình tự khám, chữa bệnh tại TTYT quận Liên Chiểu. Đang chờ gọi số thứ tự tại phòng tiếp bệnh, anh Ngô Văn Nam (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, nhờ phần mềm gọi số tự động, chạy chữ trên máy đặt tại khu vực chờ, anh có thể chủ động thời gian trong quá trình khám bệnh.
“Điều tôi hài lòng nhất là thông tin cá nhân, bệnh lý được lưu trữ đầy đủ, giúp tôi tiết kiệm khá nhiều thời gian trình bày tiền sử bệnh cũng như tiết kiệm chi phí làm các xét nghiệm đã thực hiện trước đó”, anh Nam nói.
Để các hoạt động ngày một hiệu quả, bác sĩ Lê Văn Sỹ mong muốn thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2 chương trình Hệ thống quản lý bệnh viện thông minh và Hồ sơ y tế điện tử HIS.ONE của Tập đoàn Viettel, song song với việc đầu tư trang thiết bị, bệnh án điện tử, cảnh báo về kháng thuốc, hồ sơ sức khỏe gia đình để công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn.
"Điều tôi hài lòng nhất là thông tin cá nhân, bệnh lý được lưu trữ đầy đủ, giúp tôi tiết kiệm khá nhiều thời gian trình bày tiền sử bệnh cũng như tiết kiệm chi phí làm các xét nghiệm đã thực hiện trước đó” Anh Ngô Văn Nam (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) |
Bài và ảnh: TIỂU YẾN