Tự kỷ ở trẻ em là một dạng rối loạn phát triển lan tỏa, ảnh hưởng rất nhiều đến kỹ năng giao tiếp, quan hệ xã hội. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của trẻ. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay vẫn là sự thờ ơ trước dấu hiệu nhận biết và những khó khăn trong quá trình can thiệp, hỗ trợ.
Can thiệp, điều trị trẻ tự kỷ là quá trình kiên trì, cần sự phối hợp giữa gia đình, cơ sở y tế và cộng đồng. Trong ảnh: Kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng dạy cách phát âm chữ cái cho trẻ tự kỷ. |
Hơn hai tháng nay, vợ chồng anh Phạm Đức Quảng (trú xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) phải túc trực ngày đêm tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng để cùng nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho 2 đứa con song sinh của mình.
Gần 3 tuổi đầu nhưng 2 cháu vẫn chưa nói được, luôn có những biểu hiện nóng nảy, cáu gắt. Theo lời kể của anh Quảng, vợ bị thoát vị đĩa đệm nên chỉ ở nhà trông con, mình anh quanh năm vào tận Bình Dương, Đồng Nai làm ăn gửi tiền về.
“Tôi ít có thời gian ở nhà nên không để ý các cháu, cứ nghĩ các cháu chậm nói là điều bình thường, nhưng khi đi khám mới biết đó là dấu hiệu của tự kỷ”, anh Quảng chia sẻ. Anh chọn Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng vì chi phí điều trị, can thiệp vừa phải, lại được hỗ trợ thanh toán bảo hiểm y tế. Anh cũng đang tìm việc làm thêm ngay tại Đà Nẵng để có kinh phí điều trị cho con, bởi quá trình điều trị còn lâu dài.
Tương tự, suốt 4 năm nay, bà Lê Thị Hoàn (trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) thường xuyên bế cháu nội lui tới bệnh viện này để được các nhân viên y tế hỗ trợ can thiệp. Cháu bà Hoàn được phát hiện tự kỷ lúc 16 tháng tuổi. Bằng kinh nghiệm bản thân, nhận thấy cháu chưa nói được từ nào nên nghi ngờ đưa đi khám và được các bác sĩ kết luận cháu mắc chứng tự kỷ.
Sau thời gian được các nhân viên y tế can thiệp hành vi, hỗ trợ kỹ năng giao tiếp và các hoạt động trị liệu, đến nay, cháu đã có thể nói được câu đơn giản và hiểu được tác dụng của một số đồ vật.
“So với trẻ em bình thường thì chưa bằng, nhưng như thế này cũng mừng lắm rồi. Nếu kiên trì thêm, tôi nghĩ chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn”, bà Hoàn chia sẻ. Điều đáng tiếc, đây là số rất ít những bệnh nhân kiên trì với chương trình điều trị, can thiệp dành cho trẻ tự kỷ.
Theo bác sĩ Phạm Văn Tài, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Ngoài yếu tố di truyền, môi trường sống thiếu sự kích thích, việc tổn thương não hoặc não bộ kém phát triển do sinh non, thiếu ôxy não khi sinh, chấn thương do can thiệp sản khoa, nhiễm độc… có thể là những yếu tố khiến trẻ sinh ra và phát triển không bình thường.
Hiện Khoa Nhi-Ngôn ngữ trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng thường xuyên tiếp nhận, điều trị khoảng 70 trẻ tự kỷ, tăng động mỗi ngày. “Điều trị, can thiệp cho trẻ tự kỷ là một quá trình nhẫn nại, kiên trì trong một thời gian dài. Ngoài chuyên môn, trách nhiệm của nhân viên y tế, sự phối hợp từ phía gia đình cũng là điều hết sức quan trọng, quyết định lớn đến tính hiệu quả của cả quá trình”, bác sĩ Tài cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, chị Lê Kim Hoàng, kỹ thuật viên trưởng, Khoa Nhi-Ngôn ngữ trị liệu chia sẻ thêm, yếu tố thành công của quá trình can thiệp, điều trị trẻ tự kỷ chính là sự phối hợp giữa gia đình, đơn vị can thiệp và môi trường hòa nhập.
Đây là bộ tiêu chí mà ngay cả các nước phát triển y tế, chế độ phúc lợi xã hội cao vẫn chưa thể đạt được kết quả như ý muốn vì những khó khăn nhất định.
“Nhiều gia đình chủ quan không để ý những dấu hiệu nhận biết tự kỷ ở con nên sự can thiệp, điều trị không kịp thời. Trong trường hợp được can thiệp, không ít gia đình vẫn không thể theo hết cả chặng đường bởi thời gian kéo dài, cần sự nhẫn nại. Chưa kể, nhiều trường hợp vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ buộc phải đi làm để duy trì cuộc sống. Sự phối hợp can thiệp, điều trị cho trẻ vì thế bị gián đoạn, không hiệu quả”, chị Hoàng chia sẻ.
Bên cạnh đó, tâm lý kỳ thị, xa lánh trong môi trường hòa nhập cũng là rào cản rất lớn đối với trẻ tự kỷ. Một khi đã nhận thức được điều đó, trẻ sẽ rơi vào trạng thái tự ti, mọi nỗ lực điều trị sẽ khó đạt hiệu quả.
Những dấu hiệu và cách phòng ngừa trẻ tự kỷ Theo kỹ thuật viên Lê Kim Hoàng, có 5 dấu hiệu cờ đỏ nghi ngờ mắc tự kỷ, đó là không bập bẹ, không biết ra hiệu (chỉ tay, vẫy tay, bắt tay…) khi 12 tháng tuổi; không nói được từ đơn khi 16 tháng tuổi; không tự nói câu 2 từ khi 24 tháng tuổi và mất kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Để phòng ngừa tự kỷ ở trẻ em, cần khám thai định kỳ để phát hiện những bất thường của thai nhi gây tổn thương não trẻ; nâng cao chất lượng cấp cứu trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế ban đầu, đặc biệt theo dõi, khám trẻ sơ sinh trong 24 tháng đầu đời để kịp thời phát hiện các rối loạn nếu có. |
Bài và ảnh: PHAN CHUNG