Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Hòa: "Sức khỏe của bệnh nhân là mục đích"

.

“Lúc anh Thanh (cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh-PV) gọi tôi về Đà Nẵng phục vụ quê hương, tôi đã không dám nhận nhiệm vụ to tát ấy. Trong đầu tôi khi đó chỉ hiện lên cảnh bệnh nhân (BN) ung thư (UT) khắp nơi đang đổ về Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh khiến nơi này ngày một quá tải. 3, 4 BN nằm chung một giường hóa trị. Người nhà đùm đề nồi niêu, màn, chiếu vạ vật ở hành lang bệnh viện. Nếu có thêm một bệnh viện tuyến giữa để BN đến khám và điều trị thì tốt quá. Sự góp sức của một người con miền Trung - là tôi, chỉ có vậy”, bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Hòa chia sẻ.

Từ ngày “nghỉ hưu non”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hòa càng bận rộn với công việc tư vấn, điều trị cho bệnh nhân ung thư khắp mọi nơi.
Từ ngày “nghỉ hưu non”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hòa càng bận rộn với công việc tư vấn, điều trị cho bệnh nhân ung thư khắp mọi nơi.   Ảnh: Q.TRANG

1. Cởi mở, nhiệt tình là cảm nhận đầu tiên của tôi về bác sĩ Nguyễn Hữu Hòa. Nếu không đọc được dòng chia sẻ của anh trên mạng xã hội, có lẽ tôi khó hình dung người đàn ông với chất giọng rặt miền Nam này lại là một người con của miền Trung.

“Mình sinh năm 1968, gốc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trước đây, gia đình sống ở khu Tân Lập, gần sân bay Đà Nẵng. Năm 12 tuổi mình rời Đà Nẵng vào lập nghiệp ở Sài Gòn”… Vậy là, bác sĩ Hòa đã xa Đà Nẵng 38 năm.

Nếu ngày ấy ra trường tìm được việc làm trong ngành Nội khoa, có lẽ đã không có bác sĩ Hòa, chuyên gia điều trị UT vú và UT đầu, mặt, cổ như hôm nay. Cuộc đời mỗi người luôn có những ngả rẽ bất ngờ và đôi khi chính ngả rẽ ấy lại đem lại niềm say mê, thích thú hơn cả sự lựa chọn ban đầu. Trường hợp này rất chính xác với bác sĩ Hòa.

Từ ngày chập chững bước chân vào chuyên ngành UT mới mẻ với biết bao khó khăn, việc điều trị UT ở Việt Nam cũng nhiều thất bại, đến nay, bác sĩ Hòa đã đi với lĩnh vực này khoảng 20 năm, trong đó có 18 năm làm việc tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh. Và trong những khó khăn ở buổi đầu làm nghề,  anh cũng không tránh khỏi nỗi lo mang tên “cơm, áo, gạo, tiền”.

Ở nhà thuê hơn 10 năm, không dám sinh con thứ 2 vì sợ không lo nổi cho gia đình. Ngoài giờ làm chính thức ở bệnh viện, bác sĩ Hòa nhận làm đủ thứ việc liên quan đến chuyên môn để kiếm sống, từ truyền nước biển, truyền hóa chất, rút dịch màng bụng tại nhà, đến đi làm phòng khám tư, phụ mổ cho các bác sĩ đàn anh…

Dẫu vậy, trong quỹ thời gian eo hẹp của mình, bác sĩ Hòa vẫn âm thầm tự nghiên cứu về chuyên ngành UT bằng cách đọc nhiều bệnh án, lưu giữ các tài liệu quý, dịch tài liệu y khoa của các nước tiên tiến.

Năm 2013, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng ra đời (nay là Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng). Một đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện này được cử vào Thành phố Hồ Chí Minh học tập kinh nghiệm. Gặp được những đồng nghiệp cũng là đồng hương của mình, bác sĩ Hòa như “mở cờ trong bụng”. Anh nguyện cầm tay chỉ việc, truyền thụ hết những gì mình có cho đồng nghiệp.

Bác sĩ Hòa kể, hồi đó anh tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để chia sẻ nhiều nhất có thể. Những dữ liệu được tích cóp bao năm trong máy tính cũng san sẻ cho các đồng nghiệp đến từ Đà Nẵng.

Anh làm với tốc độ khẩn trương như thể ngày mai chẳng còn cơ hội nữa, đến mức các bác sĩ ở khoa Ngoại 5, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh “so bì”: “Sao bác sĩ Hòa thương các bác sĩ ở Đà Nẵng dữ vậy?”. “Thật ra, tôi không đặt nặng bác sĩ đồng hương hay không.

Điều tôi làm là vì bệnh nhân miền Trung. Trọng trách đặt lên vai các bác sĩ đi học không phải để làm dày kiến thức hay nổi tiếng cho riêng họ, mà sâu xa hơn là chính những người đi học sẽ về truyền lại cho người ở nhà.

Tôi không đủ sức khỏe để đi theo con đường chữa UT mãi. Bệnh nhân UT rất nhiều, họ chạy vạy khắp nơi mong chữa được bệnh. Những người có điều kiện thì đến các bệnh viện lớn, hoặc đi nước ngoài, bệnh nhân nghèo hoặc người không có điều kiện đi xa sẽ chọn điều trị tại chỗ và nhờ cậy cả vào đội ngũ y, bác sĩ địa phương”, bác sĩ Hòa trải lòng.

2. Thời điểm bác sĩ Hòa mới về làm cố vấn chuyên môn cho Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, bệnh viện còn ngổn ngang trăm mối, kinh phí eo hẹp. Mỗi cuối tuần về công tác, anh đều ở nhà bà con, chuyện đi lại nhờ bệnh nhân thân quen đưa đón.

Bác sĩ Hòa bảo, giữa anh và bệnh nhân hầu như không có khoảng cách mà chỉ có tình anh em, bạn bè. Mới đây, anh vừa phải xóa số điện thoại của một bệnh nhân rất thương quý. Bệnh nhân này bị UT lưỡi nhưng kiên cường điều trị đến ngày cuối cùng không một lời thở than. “Việc không thể gặp anh ấy lần cuối là nỗi buồn lớn trong cuộc đời tôi.

Nằm trên giường bệnh với vết mổ bướu rộng rất đau đớn nhưng anh ấy vẫn lạc quan. Những lần mổ nối tiếp nhau khiến giọng nói anh bị biến dạng, chuyển thành nói ngọng, vậy mà anh vẫn hay hát.

Dù bệnh tình có chuyển biến xấu thế nào, mỗi khi có việc ra ngoài, anh đều ăn mặc chỉn chu, thậm chí rất thời trang, bởi anh muốn từ sự mạnh mẽ của mình sẽ giúp mọi người nhận ra họ đang may mắn.

Lần cuối tôi gặp anh với miếng băng ở cổ che chỗ loét sâu do bướu hoại tử để lại, khi tôi lấy hết can đảm nói: “Không còn cách nào nữa anh S. ơi, em đã áp dụng mọi phương pháp”, anh vẫn không để lộ chút đau buồn nào, còn an ủi tôi: “Anh biết bác Hòa đã cố gắng với anh nhiều.

Số anh như vậy thì anh phải chịu chứ biết làm sao”. Nằm tại chỗ, chỉ còn da bọc xương, anh vẫn điện thoại cho tôi nói “ráng truyền vài chai nước biển cho khỏe rồi vào thăm bác sĩ Hòa”. Tôi nói, vài ngày nữa em có chuyến công tác Đà Nẵng rồi ghé thăm anh luôn, nhưng anh trút hơi thở cuối cùng trước đó một ngày”…

Ngoài anh S., trong danh bạ điện thoại của bác sĩ Hòa còn lưu tên hàng trăm bệnh nhân với tỉ mỉ từ căn bệnh đến địa chỉ nhà. Bác sĩ Hòa bảo rằng, chỉ trừ khi bệnh nhân bỏ anh đi chứ anh không bao giờ bỏ bệnh nhân. Mỗi khi nhận điều trị một ca bệnh, anh đều trò chuyện thật lâu để thấu hiểu hoàn cảnh, tài chính gia đình, từ đó đưa ra phác đồ điều trị.

Sự tận tâm của bác sĩ Hòa không chỉ dành riêng cho bệnh nhân của mình mà còn dành cho tất cả bệnh nhân UT trên mọi miền đất nước. Mỗi khi có bệnh nhân ở xa gửi bệnh án đến địa chỉ thư điện tử, Facebook, điện thoại nhờ tư vấn, anh đều nhận lời và ngày đêm miệt mài, nghiên cứu trả lời trong tình trạng cấp bách nhất; bởi hơn 20 năm trong ngành UT, anh hiểu bệnh nhân UT không có thời gian để chờ đợi. Anh còn xem những bệnh án khó là cơ hội để tìm tòi, trau dồi chuyên môn.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hòa trong một buổi tư vấn sức khỏe cho người bệnh. 		        Ảnh: Q.TRANG
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hòa trong một buổi tư vấn sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: Q.TRANG

Chị H. (quận Hải Châu), một bệnh nhân từng được bác sĩ Hòa điều trị UT vú chia sẻ, cách đây 5 năm, chị phát hiện mắc UT vú và vào Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh nhờ bác sĩ Hòa điều trị. Hành trình trị bệnh kéo dài cùng những cơn đau và nỗi phiền muộn mà nếu không có sự động viên, quan tâm chân tình của bác sĩ Hòa, có lẽ chị khó vượt qua như hôm nay.

“Có hai yếu tố quan trọng để trở thành bác sĩ, đó là tài năng và tâm đức. Tài năng là thứ có thể học được trong nhà trường, còn tâm đức tỏa ra từ bên trong con người. Những lời động viên của bác sĩ Hòa trước mỗi đợt hóa trị; những lần ghé thăm vội vã ở phòng bệnh để xem chừng bệnh nhân có mệt nhiều không; những lời “có cánh” dành cho chị em sau mỗi đợt hóa trị khiến tôi rất ấm lòng”, chị H. tâm sự.

3. Bác sĩ Hòa đã nghỉ việc ở Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh 5 năm nay. Nói về việc “nghỉ hưu non”, anh cười nhỏ nhẹ: “Nhiều người thấy tiếc khi tôi không tiếp tục làm việc ở một trong những bệnh viện chữa UT hàng đầu đất nước, nhưng tôi lại không nghĩ vậy.

Nếu làm ở Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, tôi chỉ chữa bệnh được cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đó thôi. Còn bây giờ, tôi làm việc tự do, bệnh nhân nào cần đến bác sĩ Hòa thì bác sĩ Hòa sẽ xuất hiện”.

Những tưởng, làm việc tự do sẽ giúp bác sĩ Hòa thong thả hơn trước, nhưng không, anh vẫn chỉ có 5 tiếng mỗi ngày để ngủ như bao năm nay. Công việc của anh thậm chí còn nhiều thêm với việc trả lời tư vấn cho hàng chục bệnh nhân, đọc tài liệu, viết bài chuyên môn cho các tạp chí khoa học và tham gia các ca mổ khó ở các bệnh viện.

Lý giải về việc gần đây anh livestream tư vấn UT vú tại một phòng khám tư, bác sĩ Hòa bảo: “Mình không quan trọng bệnh viện to hay nhỏ vì bệnh nhân ở đâu cũng cần sự giúp đỡ của bác sĩ. Sức khỏe của bệnh nhân là mục đích; tiền bạc, địa vị chỉ là phương tiện. Sau này, mình mong muốn tạo được một ê-kíp vừa có tài năng vừa có y đức. Bệnh nhân UT khổ quá”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Liên, Trưởng khoa Ngoại 2, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng:
 “Tôi ngưỡng mộ anh ở tình cảm dành cho bệnh nhân”

Tôi là người đầu tiên trong nhóm bác sĩ của Đà Nẵng được bác sĩ Nguyễn Hữu Hòa dìu dắt khi vào Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh học tập, nên đối với tôi, bác sĩ Hòa không chỉ là đàn anh mà là một người anh.

Sau vài tháng được bác sĩ Hòa tận tình chỉ bày, chuyên môn của tôi nâng lên rất nhiều. Không chỉ vậy, tôi còn học được ở anh tính cách giản dị. Có những ngày ca mổ kéo dài 5, 6 tiếng đồng hồ, bác sĩ Hòa chỉ ăn một ổ bánh mì rồi lại vào phòng tiếp tục mổ.

Tôi cũng ngưỡng mộ anh ở tình cảm dành cho bệnh nhân, hết lòng vì bệnh nhân. Chưa thấy bác sĩ nào lưu số điện thoại bệnh nhân nhiều như bác sĩ Hòa và thuộc làu gia cảnh bệnh nhân như anh ấy.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.