Y tế - Sức khỏe

Nói không với lựa chọn giới tính thai nhi

11:23, 31/10/2018 (GMT+7)

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở một số quốc gia châu Á đang là một trong những thách thức lớn của công tác dân số.

Tổ chức khám định kỳ cho các bà mẹ mang thai tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.
Tổ chức khám định kỳ cho các bà mẹ mang thai tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Ở nước ta, từ cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái; 10 năm sau, tỷ số này là 110,5/100 (năm 2009) và tăng lên 113,8/100 (năm 2013). Đến nay, tỷ số MCBGTKS vẫn dao động xung quanh ngưỡng 112,2 bé trai/100 bé gái. MCBGTKS có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng cả nông thôn, thành thị.

MCBGTKS có nguyên nhân sâu xa từ các quan niệm xã hội và tôn giáo, đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên, giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội. Theo phong tục truyền thống ở nhiều địa phương, chỉ có con trai mới được thừa kế tài sản của cha mẹ, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng. Tất cả những điều đó bám sâu vào tiềm thức của nhiều cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Ngoài ra, sự lạm dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nhận biết giới tính sớm của thai nhi, điều kiện phá thai dễ dàng, chi phí không cao và các quy định của pháp luật về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi không nghiêm nên tình trạng MCBGTKS vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

MCBGTKS sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, nước ta sẽ thiếu 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ. MCBGTKS có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng, gây hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học như: gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái; gia tăng bất bình đẳng giới, ly hôn, bất ổn xã hội, suy giảm sức khỏe, sức khỏe sinh sản...

Trong thời gian qua, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giảm vấn nạn MCBGTKS. Trong đó, ngành dân số đã chú trọng công tác tuyên truyền tại 24 trường THPT và các trường đại học, cao đẳng. Theo anh Lê Đình Quang Phúc, Bí thư Đoàn Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), các buổi nói chuyện chuyên đề này rất bổ ích đối với sinh viên, giúp các bạn trẻ trau dồi kiến thức về MCBGTKS ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Ngành dân số cũng chủ động can thiệp hiệu quả các biểu hiện mất MCBGTKS; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi pháp luật về giải quyết MCBGTKS; nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, tư vấn, cung cấp dịch vụ lựa chọn, xác định giới tính trước khi sinh trong các cơ sở y tế, tại cộng đồng và trong toàn xã hội. Tuy vậy, trên thực tế, việc lựa chọn giới tính thai nhi vẫn bị lạm dụng; việc giám sát nghiêm ngặt tại các phòng khám và bệnh viện tư vẫn chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, các chế tài hiện hành chưa đủ mạnh để có thể giúp thay đổi hành vi.

“Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi” là nội dung được nhấn mạnh trong Ngày Quốc tế trẻ em gái 11-10 năm nay. Để giải quyết tận gốc tình trạng MCBGTKS, cần phải xóa bỏ hoạt động bất hợp pháp của một số cán bộ y tế trong việc xác định giới tính và lựa chọn giới tính thai nhi. Mặc dù đã có những nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, dân số và trẻ em, nhưng hiện rất ít địa phương áp dụng các nghị định này để xử phạt. Do vậy, cần tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật; yêu cầu các cơ sở y tế, nhất là y tế tư nhân cam kết không tư vấn và cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi; xử phạt mạnh các hành vi vi phạm; xây dựng bộ quy định đạo đức nghề nghiệp, trong đó có những cam kết ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Bài và ảnh: MINH PHÚC

.