Y tế - Sức khỏe
Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS ở huyện Hòa Vang
Là huyện duy nhất của thành phố, địa bàn rộng, có những xã miền núi, giao thông đi lại khó khăn, song những năm qua, huyện Hòa Vang không ngừng nỗ lực triển khai các chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV và chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, ma túy và các tệ nạn xã hội nhằm nâng cao kiến thức, trách nhiệm của người dân và giảm sự kỳ thị trong cộng đồng đối với người bị nhiễm HIV/AIDS. Trong ảnh: Trường tiểu học số 2 Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, ma túy và các tệ nạn xã hội cho học sinh. |
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Tửu, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, toàn huyện hiện có 110 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 47 trường hợp đã tử vong. Trung tâm đang quản lý 54 trường hợp nhiễm HIV. Đa số các trường hợp lây nhiễm HIV qua đường tình dục, nhiều trường hợp do không trang bị đầy đủ kiến thức về phòng, chống lây nhiễm HIV nên không biết cách tự bảo vệ mình và mọi người; nhiều trường hợp không hề biết mình bị nhiễm HIV nên vô tình lây truyền cho người thân.
Từ năm 2009, Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, phòng chống ma túy huyện (gọi tắt là Ban chỉ đạo) đã phát động phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư. Hằng năm, Ban chỉ đạo đều có kế hoạch cụ thể, giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể phối hợp triển khai lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Theo đó, MTTQ các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân về phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt thôn, các cuộc thi, chương trình văn nghệ; tổ chức mít-tinh, tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu; phối hợp với Đoàn Thanh niên, các trường học tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS cho học sinh bằng những hình thức đa dạng như: sân khấu hóa, văn nghệ, thi kiến thức, thuyết trình đến việc lồng ghép trong các tiết học.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, tư vấn, giúp người nhiễm HIV ổn định tâm lý và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Các cán bộ, đoàn thể thường xuyên gặp mặt, động viên tinh thần những người nhiễm HIV/AIDS và gia đình có người thân bị nhiễm HIV/AIDS; đồng thời, tư vấn, giới thiệu phương thức điều trị cho người bị nhiễm HIV/AIDS và tổ chức các hoạt động hỗ trợ như thăm, tặng quà, giới thiệu việc làm…
Anh N.V.N. (sinh năm 1987), đang điều trị bằng thuốc ARV ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố tâm sự, hơn 20 tuổi, anh bị lây nhiễm HIV qua bạn tình. Mặc dù nghi ngờ về bệnh của mình và cảm thấy sức khỏe giảm sút nhưng anh vẫn ngại đi xét nghiệm vì sợ bị kỳ thị. “Lúc trước tôi cho rằng, nhiễm HIV là chấm hết nên không muốn đi xét nghiệm. Thậm chí, tôi nghĩ đằng nào cũng chết thì tại sao phải xét nghiệm để người ta biết mình bị nhiễm. Nhưng sau khi xem tờ rơi, tham gia các buổi tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS, tôi nhận ra mình quá thiếu kiến thức về căn bệnh này.
Sau khi được tư vấn, tôi nhận ra một người nhiễm HIV vẫn có thể sống lâu dài và khỏe mạnh nếu được điều trị sớm. Xét nghiệm sớm HIV giúp người nhiễm HIV biết tình trạng của bản thân để có kế hoạch điều trị phù hợp, nếu dùng thuốc đều đặn, theo đúng phác đồ, sức khỏe sẽ được duy trì, kéo dài tuổi thọ… Chưa kể, khi phát hiện và điều trị sớm, người bệnh giảm được chi phí khám, chữa bệnh”, anh N. cho biết thêm.
Bác sĩ Nguyễn Thành Chung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố cho biết, trước đây, người dân ở huyện Hòa Vang còn e ngại, không muốn đi khám để được tư vấn, điều trị, bởi sự kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn xuất hiện nhiều trong cộng đồng.
Cũng có những trường hợp người nhiễm HIV/AIDS nhưng do không biết nên âm thầm sống chung với bệnh cho đến khi tử vong. Tuy nhiên, hiện nay, người dân đã được cung cấp đầy đủ kiến thức về căn bệnh HIV/AIDS và những biện pháp phòng tránh. 100% người nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng. Điều đó đã giúp giảm thiểu sự phát triển của đại dịch này trên địa bàn huyện nói riêng và Đà Nẵng nói chung.
Bài và ảnh: THU THẢO