Hợp tác xã (HTX) trồng và sản xuất dược liệu Nam Sơn (ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) vừa triển khai mô hình mới về trồng và chế biến cây dược liệu. Dù còn nhiều khó khăn nhưng đây được xem là hướng đi mới có triển vọng để phát triển.
Xã viên hợp tác xã chăm sóc cây trinh nữ hoàng cung. |
Không chỉ sáng tạo trong việc áp dụng thành công giải pháp kết hợp nhiều phương thức sản xuất từ chăn nuôi đến nuôi trồng dược liệu, thời gian qua, HTX dược liệu Nam Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến diện tích lớn đất trồng cây hoa màu thuần túy bao đời nay thành vùng sản xuất cây dược liệu.
Hiện nay, đơn vị đang tổ chức trồng các loại cây dược liệu quý và được thị trường tiêu thụ mạnh như: cây đinh lăng, trinh nữ hoàng cung, nghệ, đương quy, sưa đỏ...
Với yếu tố phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng để trồng các loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, HTX đã trồng thử nghiệm và đưa vào sản xuất khoảng hơn 2ha cây dược liệu tại xã Hòa Tiến để bảo đảm nguồn dược liệu tại chỗ.
Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc HTX dược liệu Nam Sơn cho biết: “Diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang hóa tại địa phương thì nhiều, trong khi đó, đất sản xuất chỉ trồng độc nhất cây hoa màu cho hiệu quả kinh tế thấp.
Bởi vậy, chúng tôi đã vận động bà con xã viên cùng thành lập tổ sản xuất tiến hành khai hoang, phục hóa. Mất khá nhiều thời gian chặt cây, phát cỏ, đào lại mương, rãnh, đắp lại bờ vùng, bờ thửa... và bây giờ HTX không chỉ hoàn thiện về cơ sở vật chất như tường rào, cửa ngõ... mà dự kiến sẽ mở rộng thêm diện tích canh tác”.
Chị Nguyễn Thị Tiến, một xã viên HTX cho hay, từ khi kết hợp mô hình hoạt động theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, không chỉ chuyên một loại cây dược liệu, các thành viên đã mạnh dạn đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất cũng như đa dạng hóa các sản phẩm.
“Thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương khá phù hợp để trồng các loại cây dược liệu. Một số cây dược liệu mọc tự nhiên thì người dân có thể khai thác một cách hợp lý và nhân giống. Đây sẽ là hướng đi mới giúp bà con xóa đói, giảm nghèo vì giá trị của cây dược liệu cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Hiện nay, cây dược liệu đã trở thành các bài thuốc quý trong y học và được sử dụng rộng rãi”, chị Tiến nói.
Vì chỉ mới thành lập được 2 năm, bên cạnh những thành quả bước đầu, hiện mô hình trồng cây dược liệu của HTX Nam Sơn cũng vấp phải không ít khó khăn. Trước hết là về nguồn vốn. Do đầu tư vào công tác khai hoang lớn nên hiện nay HTX chưa có đủ điều kiện trang bị đầy đủ vật tư, phương tiện trồng, chăm sóc dược liệu như: nilon phủ mặt luống, hệ thống làm giàn cho cây...
Bởi vậy, đã có nhiều cây trong nhà giàn không phát triển, một số cây sau khi trồng đã không thành công do không hợp thổ nhưỡng... Trong khi đó, từ khi đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào hoạt động, phần lớn diện tích của HTX bị ngập nước đã ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt tại đây...
“Khi bắt tay vào xây dựng, triển khai mô hình, chúng tôi đã liên kết với Công ty CP Dược Danapha ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng trong quá trình sản xuất thử nghiệm, số lượng sản phẩm thu hoạch được chưa nhiều.
Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của xã viên HTX mà còn khó hơn khi khuyến khích nông dân tại địa phương cùng tham gia vào trồng đại trà”, ông Nguyễn Duy Phương bày tỏ.
Theo ông Tôn Thất Uyên, Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng, mô hình hoạt động của HTX dược liệu Nam Sơn là hướng phát triển khá phù hợp hiện nay. Về phía Liên minh HTX thành phố, đơn vị luôn tạo mọi điều kiện để HTX phát triển hỗ trợ vay vốn đầu tư sản xuất...
Tuy nhiên, theo ông Uyên, để mô hình trồng cây dược liệu của HTX dược liệu Nam Sơn không bị “chết yểu”, tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, rất cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện hợp lý của chính quyền các cấp cũng như phương thức hoạt động hợp lý và mang lại hiệu quả.
Bên cạnh giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong mỗi sản phẩm, HTX dược liệu Nam Sơn cần tập trung mở rộng nhà xưởng, xây dựng kho bãi và các loại máy móc để đáp ứng các quy chuẩn trong sản xuất, đồng thời liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp, góp phần giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp bền vững, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Bài và ảnh: THÀNH LÂN