Ngày 1-10-2018 là ngày thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng của chương trình “Thien Nhan & Friends” (Thiện Nhân và những người bạn). Đây là một trong số khoảng 20 ca mổ sẽ được thực hiện kéo dài trong khoảng 1 tuần vào đầu tháng 10 tại Đà Nẵng để viết tiếp những câu chuyện cổ tích sinh ra từ lòng người.
Sơn “bô xanh” (thứ hai từ trái sang) là một trong những đứa bé may mắn được phẫu thuật thành công nhờ Chương trình “Thiện nhân và những người bạn”. Ảnh: Facebook Thien Nhan & Friends |
“Có những tin nhắn dài chứa đầy nước mắt đến với chương trình lúc 2 giờ sáng, 4 giờ sáng. Chắc hẳn người mẹ ấy đã có một đêm không ngủ để đau nỗi đau của đứa con nhỏ, cảm nhận nỗi xấu hổ của con khi bị bạn bè trêu chọc.
Chị mong con được mổ, được hoàn thiện, được bình thường. Chị mong đoàn bác sĩ có thể ở lại thêm 1 ngày để mổ cho con chị. Cả ê-kíp day dứt vô cùng khi phải từ chối cho con chị mổ năm nay vì còn rất nhiều những trường hợp nặng hơn cần ưu tiên cũng như đã xếp lịch từ một vài năm trước”, chị Trần Mai Anh, mẹ nuôi của Thiện Nhân và là người sáng lập, điều hành chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” chia sẻ khi có gần 200 bệnh nhi khám mới và tái khám.
Trong thời gian diễn ra chương trình tại Đà Nẵng đã có nhiều người bố, người mẹ từ khắp các tỉnh miền Trung đưa con đến bệnh viện từ sáng sớm để được khám. Trước khi tiến hành các ca phẫu thuật, các bác sĩ phải làm việc cật lực với một số lượng lớn hồ sơ bệnh án để quyết định chọn ra những trường hợp cần được ưu tiên phẫu thuật trước.
Trong số đó sẽ có vài ca bị hoãn việc mổ lại vì các bé không đủ sức khỏe. Vài ca khác phải được đẩy lên mổ sớm hơn nhờ tình trạng các bé tốt hơn. Vài ca khác thì phải cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Trước đó, tại Hà Nội, chương trình đã khám sàng lọc 32 ca tại Bệnh viện Nhi Trung ương và 51 ca tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức. Đặc biệt, trong lần tái khám này có tới 2 ca thành công và các bệnh nhi này sẽ không cần thực hiện thêm các bất kỳ ca phẫu thuật nào nữa.
Từ ngày 24 đến 28-9 đã có khoảng 34 ca mổ được thực hiện song song tại hai bệnh viện nói trên. Để có được những con số này, trong thời gian qua, các bác sĩ của chương trình gần như không rời khỏi vị trí và luôn luôn tập trung cao độ để liên tục khám cho các bệnh nhân.
Có những ngày bác sĩ Roberto phải khám cho 60 em, có những ca mổ kéo dài hàng chục giờ, có những trường hợp phải phẫu thuật vài lần nhưng ông Roberto bảo rằng ông đang thực hiện công việc mà định mệnh giao phó. Dù không rành tiếng Việt, ông Roberto luôn động viên những đứa trẻ khiếm khuyết bộ phận sinh dục hoặc bị lộ bàng quang… bằng câu “Chào, không sao đâu!”.
Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” từ khi triển khai đến nay, các bác sĩ đã phẫu thuật cho vài trăm trẻ em Việt Nam không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục do bẩm sinh hoặc tai nạn, đem lại cho các em một cuộc sống không còn đau đớn hay mặc cảm.
Nhờ có tấm lòng hảo tâm của các nhà tài trợ mà các kỳ phẫu thuật được tiến hành suôn sẻ và thành công. Giờ đây, chương trình đã trở thành một hoạt động thường niên của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á.
Tâm Như