Không để sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng

.

Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đang tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) đến từ Đà Nẵng và Quảng Nam, trong đó có nhiều bệnh nhân ở cấp độ nặng. Trước tình hình trên, UBND thành phố đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương gấp rút vào cuộc, không để SXH bùng phát trên diện rộng.

Khu vực Mỹ Thạnh 2, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà gia tăng số ca sốt xuất huyết trong thời gian gần đây.  				Ảnh: PHAN CHUNG
Khu vực Mỹ Thạnh 2, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà gia tăng số ca sốt xuất huyết trong thời gian gần đây. Ảnh: PHAN CHUNG

Bệnh viện quá tải

Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng hiện thu dung điều trị hơn 50 bệnh nhân SXH. Cháu Nguyễn Văn K. (trú xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) có biểu hiện sốt và sau 3 ngày tự uống thuốc tại nhà không khỏi, gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện địa phương điều trị.

Do đã chuyển sang giai đoạn biến chứng nặng nên cháu K. được chuyển ra Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Phó khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, phần lớn những bệnh nhân đang điều trị đều thuộc cấp độ nặng, phải liên tục theo dõi.

“Mỗi ngày, chúng tôi còn khám ngoại trú khoảng 80 bệnh nhân SXH, nhưng ở cấp độ nhẹ hơn, không bắt buộc nhập viện để tránh tình trạng quá tải”, bác sĩ Ngữ cho biết. Cũng theo bác sĩ Ngữ, hiện người dân còn chủ quan với SXH, một phần do các triệu chứng sốt không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác.

“Khi có dấu hiệu sốt, dù là thông thường cũng nên đưa trẻ đi khám, làm xét nghiệm cần thiết để có phác đồ điều trị chính xác từ ban đầu. Tuyệt đối không nên tự ý điều trị, bởi điều này sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh. Ngoài ra, người dân cần nâng cao ý thức bảo đảm vệ sinh khu vực mình sinh sống vì phòng, chống SXH rất cần sự chung tay của cả cộng đồng”, bác sĩ Ngữ khuyến cáo.

Số bệnh nhân nhập viện vì SXH cũng tăng cao tại Bệnh viện Đà Nẵng. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, hiện đơn vị tiếp nhận trên 230 ca SXH, tập trung điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới. Bệnh viện phải bố trí thêm giường bệnh tại các hành lang, nằm ghép đôi, tăng cường thêm nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhập viện điều trị vì SXH ngày càng tăng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng khám, tư vấn cho một bệnh nhi sốt xuất huyết.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng khám, tư vấn cho một bệnh nhi sốt xuất huyết.

Khu dân cư lo dịch bệnh

Được biết, thời gian qua, trên địa bàn thành phố liên tục xuất hiện hàng chục ổ dịch nhỏ. Ông Phạm Châu, Trưởng ban công tác Mặt trận Mỹ Thạnh 2 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho biết, số người mắc SXH liên tục tăng, thậm chí có gia đình đến 3 người cùng mắc.

“Chúng tôi đã kiến nghị cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa thấy phun hóa chất, nếu tình trạng này tiếp tục thì nguy cơ bùng phát SXH rất dễ xảy ra”, ông Châu nói.

Theo phản ánh của người dân địa phương, nguyên nhân bùng phát SXH tại đây do dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại khu vực tổ 13 và 14 đang thi công dang dở khiến tình trạng ngập úng cục bộ liên tục xảy ra. Tương tự, chỉ trong 2 tuần, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) đã xuất hiện 5 ổ dịch, tập trung ở các tổ 34, 52, 54, 60 và 64.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong 1 tuần từ ngày 19 đến 25-11, trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhận 253 trường hợp SXH, như quận Liên Chiểu (44 ca), quận Thanh Khê (55 ca), quận Hải Châu (42 ca), quận Sơn Trà (33 ca).

Ngoài ra, có 37 ổ dịch nhỏ được phát hiện trong các khu dân cư. Trung tâm cũng đề nghị quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang tăng cường phối hợp với các địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam phối hợp phòng chống, dập dịch SXH.

Theo số liệu đơn vị này cung cấp, hiện Quảng Nam đã ghi nhận 3.356 ca SXH tính từ đầu năm 2018 đến nay. Trong đó, chỉ riêng thị xã Điện Bàn giáp ranh với Đà Nẵng đã có gần 1.600 ca mắc SXH. Trong tháng 11, địa phương này ghi nhận hơn 350 trường hợp, bằng 30% số ca mắc SXH ở địa phương này của cả năm 2018.

Tính đến ngày 25-11, trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 3.800 ca SXH, trở thành địa phương có số ca mắc SXH/10.000 dân cao nhất cả nước.

Trước tình hình trên, ngày 26-11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng có Công văn số 9155/UBND-SYT yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện cùng các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.
.