Nhiều loại thực phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan trước các cổng trường học tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cho học sinh. Thực tế này diễn ra nhiều năm qua và vẫn chưa thể biết đến bao giờ mới chấm dứt.
Hàng rong xung quanh cổng trường luôn tấp nập học sinh, nhưng việc kiểm soát an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ . |
Thực phẩm bày bán tràn lan
Trước các cổng trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố, không khó bắt gặp hàng quán và các xe hàng rong bày bán thức ăn, nước uống giữa nắng, bụi bẩn mà không che đậy. Các mặt hàng này hầu hết không có nhãn mác cũng như hạn sử dụng, đặc biệt phẩm màu được dùng khá nhiều để tạo độ bắt mắt cho sản phẩm nhằm thu hút học sinh, nhất là khối tiểu học.
Tại Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê), hai bên hông và phía sau trường có đến 3, 4 điểm bán hàng ăn vặt. Giờ tan trường, học sinh ngồi lê la ăn bánh tráng nướng, bánh tráng trộn với tương ớt sử dụng kèm không nhãn mác.
Phía trước Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu) bày bán mực, bò khô màu đỏ được chứa trong bao nilon không biết xuất xứ từ đâu, sản xuất khi nào nhưng vẫn là món “khoái khẩu” của học sinh mỗi khi tan trường.
Giờ tan học, trước cổng Trường THCS Hoàng Diệu (đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Những chiếc xe đẩy bán cá viên chiên, bắp xào, xúc xích, xoài lắc, bánh gạo… tập trung ngay trước cổng chính. Với một chảo dầu, người bán chiên đi chiên lại rất nhiều lần thực phẩm đến khi chuyển sang màu đen vẫn còn tiếp tục sử dụng. Người bán thức ăn không hề mang găng tay mà sử dụng tay trần để chế biến, rồi cầm tiền, tính tiền cho khách.
Đến trước cổng trường, với 5.000 đồng, các em có thể mua các loại nước ngọt màu sắc sặc sỡ hoặc món đồ ăn yêu thích. Trong khi đó, khi được hỏi nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm này, người bán hàng chỉ ậm ừ, lảng tránh cho qua.
Chị Bùi Thị Ngọc Thảo (ngụ đường Thanh Thủy, quận Hải Châu) lo lắng chia sẻ: “Thức ăn ở nhà không thiếu nhưng thấy bạn bè mua đồ ăn vặt, các con tôi cũng đòi cho bằng được. Hai vợ chồng “đau đầu” lắm mà không biết phải làm sao”.
Anh Nguyễn Quốc Cường, một phụ huynh ngụ tại đường Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu cũng cho hay, học sinh chỉ cần thấy đồ ăn ngon, rẻ là đổ xô mua, không cần biết có vệ sinh hay không. Dù anh đã khuyên con không được ăn những thực phẩm đó và cũng không cho con tiền để mua, nhưng con vẫn ăn khi được bạn bè chia sẻ nên cha mẹ cũng không quản được.
Điều đáng nói, vẫn có nhiều phụ huynh do bận rộn nên thường cho con tiền để tự ăn sáng, thậm chí còn chiều theo sở thích của con, sẵn sàng mua cho con những món đồ ăn vặt trước cổng trường.
Cần chung tay “vào cuộc”
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố, các quán hàng rong trước cổng trường học thuộc nhóm thức ăn đường phố. Theo quy định hiện hành, việc quản lý loại hình kinh doanh này thuộc trách nhiệm của UBND phường, xã.
Thời gian qua, Ban quản lý ATTP thành phố đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý tình trạng này. Tính đến tháng 10-2018, ngành chức năng và các địa phương đã kiểm tra ATTP tại 14.802/25.347 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ăn uống; trong đó có các điểm kinh doanh thức ăn đường phố; xử phạt vi phạm hành chính 188 cơ sở với số tiền 320,56 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) cho biết thêm, việc các hàng quán rong bày bán trước cổng trường không chỉ mất vệ sinh ATTP mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan sư phạm và gây tắc nghẽn giao thông.
UBND phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nhiều trường hợp, thu phương tiện, đẩy đuổi các gánh hàng rong. Tuy nhiên, ông Xuyên cũng thừa nhận, dù xử lý, một số chủ hàng rong vẫn tái phạm, đối phó, khi có đoàn kiểm tra thì thu dọn rất nhanh, khi không kiểm tra lại tái diễn. Mặt khác, những người bán hàng rong từ nhiều nơi đến, không ở trên địa bàn và thường xuyên thay đổi địa điểm bán nên rất khó quản lý.
Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho biết, để hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm từ các hàng rong không bảo đảm an toàn, các trường học trên địa bàn quận phối hợp với chính quyền địa phương nhắc nhở, treo bảng cấm bán hàng rong trước cổng trường.
Ngoài ra, lực lượng chức năng của phường hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát đẩy đuổi. Đối với những hộ buôn bán gần trường thì không thể cấm, việc đẩy đuổi cũng chỉ làm theo pha, đợt nên không bảo đảm hiệu quả.
Chính vì thế, ngành giáo dục tăng cường tuyên truyền cho học sinh, để các em hiểu mối nguy hại của thực phẩm bẩn. Hơn nữa, hiện nay, tất cả các trường học đều thực hiện việc đóng cổng trường nên hạn chế học sinh ra ngoài mua hàng rong trong giờ ra chơi. Các trường cũng mở căn-tin trong khu vực trường, đáp ứng nhu cầu của học sinh.
“Trong lúc chờ cơ quan chức năng vào cuộc, nhà trường và gia đình cần tăng cường giáo dục ý thức, tuyên truyền cho học sinh về ATTP. Nếu học sinh hiểu cách bảo vệ sức khỏe và không ăn các loại thực phẩm này thì hàng rong cũng sẽ tự không hoạt động trước cổng trường”, bà Hà cho biết thêm.
Bài và ảnh: THU THẢO