Giữ gìn sức khỏe ngày Tết

.

Trong những ngày Tết, chế độ ăn uống, sinh hoạt hoàn toàn khác ngày thường có thể gây ra tình trạng không tốt đối với sức khỏe. Vì thế, theo các chuyên gia y tế, dù vui xuân cũng cần tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp nhằm hạn chế những hệ lụy không đáng có.

Lướt một vòng trên mạng xã hội (MXH) có thể dễ dàng thấy hàng loạt thực phẩm rao bán với những lời chào hấp dẫn. Chị Nguyễn Thị Hoa (quê Nghệ An) đang làm tại một công ty nước ngoài ở KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) tranh thủ dịp gần Tết làm thêm công việc bán giò me (bê), một đặc sản quê hương. Thông qua MXH, mỗi ngày chị bán hơn 100kg giò. “Khách hàng đủ thành phần nhưng toàn người lạ, họ tin tưởng nên chọn mua bởi hiện nay mặt hàng này bán rất nhiều và giả danh cũng nhiều lắm”, chị Hoa cho biết. Từ khi vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) được người tiêu dùng quan tâm, những “đặc sản nhà làm” có dịp lan tỏa nhanh chóng. Nem, giò, chả, thịt, cá… và nhiều đặc sản các vùng miền đều được chào bán công khai trên MXH.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý (BQL) ATTP thành phố, thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà đến nay cơ quan quản lý ATTP vẫn chưa kiểm soát được, chỉ mới dừng ở mức khuyến cáo. Thời điểm Tết Nguyên đán cận kề là dịp những sản phẩm tự làm được bán rầm rộ. “Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bởi hiện nay nguy cơ ô nhiễm thực phẩm rất cao, đôi khi chỉ cần bảo quản, vận chuyển không đúng cách là chất lượng thay đổi ngay. Điều này lại rất dễ xảy ra với trào lưu bán thực phẩm nhà làm đang nở rộ trên MXH”, ông Hải chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề sử dụng thực phẩm trong ngày Tết, bác sĩ Nguyễn Lê Hồng Vân, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng lưu ý: “Một thói quen hiện nay nhà nhà đều dễ gặp đó là dự trữ thực phẩm quá nhiều và quá lâu trong tủ lạnh. Đây là thói quen cần thay đổi, đặc biệt vào dịp Tết đến xuân về. Nên ưu tiên sử dụng thực phẩm tươi sống, bởi dự trữ lâu thực phẩm sẽ giảm chất lượng, hư hỏng. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo trong tủ lạnh, các loại thực phẩm cần được bỏ vào hộp kín”, bác sĩ Vân cho biết.

Trong những ngày Tết, thực đơn của mọi nhà đa phần nhiều đạm và chất béo - những thực phẩm không tốt cho trẻ thừa cân và người có sẵn bệnh lý về tim mạch, huyết áp, tiểu đường. Ngoài ra, tình trạng sử dụng rượu, bia quá mức trong những ngày vui xuân dẫn đến hại não, dạ dày, gan, tim mạch, xương khớp, sinh sản… “Cần phải biết từ chối rượu, bia quá mức để bảo vệ sức khỏe bản thân và an toàn cho người thân. Trong bữa ăn gia đình phải bổ sung rau xanh, đây là nguồn thực phẩm cung cấp chất xơ quan trọng và dồi dào nhất, giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh, tiếp thêm vitamin cho cơ thể. Ngoài ra, nên duy trì thói quen ăn nhiều hoa quả, uống nước lọc để bù nước, thanh lọc cơ thể”, bác sĩ Vân chia sẻ thêm.

Trẻ em là đối tượng cần đặc biệt được chú ý trong những ngày Tết để hạn chế bệnh về tiêu hóa, ngộ độc thức ăn. “Nếu trẻ bị tiêu chảy hoặc ói, nên cho trẻ uống nhiều nước, tuyệt đối giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi cho trẻ ăn. Bên cạnh đó, trẻ em dễ gặp phải một số tai nạn như sặc thức ăn nên trong trường hợp xảy ra sự cố cần lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời và đúng cách”, bác sĩ Vân nói.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.