Từ ngày 15-1, Đà Nẵng bắt đầu tổ chức tiêm chủng mở rộng (TCMR) vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five, thay cho vắc-xin Quinvaxem đã ngừng cung ứng trước đó. Đây là loại vắc-xin mới, lần đầu tiên được tiêm cho trẻ trên toàn thành phố nên việc tư vấn, khám sàng lọc, theo dõi trước và sau tiêm được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, kỹ lưỡng, đề phòng sự cố ngoài ý muốn có thể xảy ra.
Ngày 15-1, Đà Nẵng lần đầu tiên tiêm vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Ảnh: PHAN CHUNG |
Chỉ tiêm buổi sáng
Phường Hòa Quý và Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) là hai địa phương đầu tiên được tổ chức tiêm vắc-xin ComBE Five cho trẻ trong buổi sáng ngày 15-1. Đang chăm con ở phòng theo dõi sau tiêm chủng, chị Phan Thị Mai Hạnh (trú tổ 2, Bình Kỳ, phường Hòa Quý) như trút bỏ được gánh nặng lo lắng bấy lâu nay.
Con trai chị chào đời đã được 6 tháng nhưng hôm nay mới được đi tiêm chủng mũi đầu tiên vắc-xin 5 trong 1, thay vì tiêm cách đây 3 - 4 tháng. Nguyên nhân là việc cung ứng vắc-xin từ Bộ Y tế cho Đà Nẵng bị gián đoạn, liên quan đến việc chuyển đổi vắc-xin 5 trong 1 thay thế.
“Tôi liên tục lên trạm y tế phường hỏi nhưng đều được báo là hết vắc-xin, chỗ tiêm dịch vụ cũng hết, lên mạng tìm hiểu thì biết là hết trên cả nước nên rất lo lắng. Nếu không tiêm vắc-xin kịp thời, sức khỏe của cháu có thể bị ảnh hưởng”, chị Hạnh nói.
Ngay khi được nhân viên y tế phường gửi giấy mời đưa bé đi tiêm chủng, chị Hạnh đã nhanh chóng đưa con lên trạm y tế phường. Tương tự, chị Lê Thị Mẫn (trú tổ 15, phường Hòa Quý) vừa cho con trai 11 tháng tuổi chích ngừa mũi thứ ba vắc-xin 5 trong 1.
Hai mũi trước bé được tiêm bằng vắc-xin Quinvaxem lúc 2 tháng và 5 tháng tuổi. “Đây là mũi vắc-xin mới đầu tiên của cháu nhưng cũng là mũi vắc-xin 5 trong 1 cuối cùng cháu cần phải tiêm”, chị Mẫn chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, địa phương vừa được cung ứng 8.000 liều vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five từ Bộ Y tế, phục vụ cho chương trình TCMR trên địa bàn thành phố.
Từ ngày 15-1, vắc-xin này được triển khai trong chương trình tiêm chủng tại các trạm y tế phường, xã thuộc huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn. Những địa phương còn lại sẽ triển khai vào tháng 2 tới đây.
Sở dĩ chưa thực hiện đồng bộ trên toàn thành phố là để công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát được thực hiện hiệu quả hơn.
“Điểm khác biệt của Đà Nẵng so với các địa phương khác là chúng tôi chỉ tổ chức TCMR vào buổi sáng để người nhà có thời gian theo dõi con em mình sau tiêm chủng được tốt hơn. Trong trường hợp xuất hiện những phản ứng, người nhà sẽ kịp thời báo với nhân viên y tế để được hỗ trợ”, bác sĩ Lãm cho biết.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với loại vắc-xin mới này, sau khi tiêm, trẻ phải được theo dõi tại chỗ 30 phút và sau đó gia đình cần theo dõi tại nhà 24-48 giờ.
Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng là bước quan trọng. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế quận Ngũ Hành Sơn khám sàng lọc cho trẻ phường Hòa Hải trước khi tiêm chủng. |
Khám, tư vấn và theo dõi kỹ
Lần đầu tiên tổ chức TCMR đối với vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five nên việc chuẩn bị được các cơ sở y tế trên địa bàn Đà Nẵng thực hiện kỹ lưỡng. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, ngoài việc tuyên truyền đến từng gia đình có trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng, ngành y tế quận thành lập các đội cấp cứu nội, ngoại viện sẵn sàng cấp cứu và xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
“Việc khám sàng lọc ban đầu cho trẻ rất quan trọng nên chúng tôi đã cử đội ngũ bác sĩ chuyên về khám sàng lọc đến tại trạm y tế các phường trực tiếp khám cho trẻ trước khi tiêm. Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường thì ngừng việc tiêm chủng ngay lập tức”, bác sĩ Thành cho biết.
Dịp này, quận Ngũ Hành Sơn tổ chức tiêm vắc-xin ComBE Five cho 829 trẻ, trong đó có 582 trẻ tiêm mũi 1, 145 trẻ tiêm mũi 2 và 102 trẻ tiêm mũi 3. Trong quá trình theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút sau khi tiêm, các nhân viên y tế sẽ tư vấn trực tiếp cho phụ huynh về cách chăm sóc trẻ trong 48 giờ sau tiêm, những dấu hiệu nhận biết khi xảy ra phản ứng nếu có.
Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, việc chuẩn bị tiêm chủng vắc-xin 5 trong 1 mới đã được thực hiện từ nhiều tháng qua, gồm tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các quận, huyện về cách tư vấn tiêm chủng, kỹ thuật tiêm, cách thức bảo quản vắc-xin…
Đặc biệt lần này, việc tập huấn khám sàng lọc, xử lý chống sốc, phản ứng khi xảy ra được tổ chức thường xuyên và lần đầu tiên có sự tham gia của các phòng khám, cấp cứu của cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Trong quá trình diễn ra chương trình TCMR, nhân viên khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ xuống các trạm y tế phường, xã trực tiếp giám sát, hỗ trợ.
“Đây là loại vắc-xin mới nên phụ huynh cần lưu ý một số điểm: nên cho trẻ bú, ăn no, giữ ấm khi đi tiêm chủng. Sau khi tiêm phải theo dõi ít nhất 30 phút tại trạm y tế và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ. Cần bế, quan sát trẻ thường xuyên, không chạm, đè vào chỗ tiêm và không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm. Cho trẻ ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế và thường xuyên kiểm tra bé, nhất là vào ban đêm.
Đặc biệt, phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu như sốt cao trên 39oC, kích thích, co giật, quấy khóc dai dẳng, bú kém, nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, tím tái, khó thở hoặc những biểu hiện bất thường khác mà bố mẹ cảm thấy lo lắng”, bác sĩ Lãm cho biết.
Vắc-xin dịch vụ 6 trong 1 “đắt” hàng
Đây là loại vắc-xin tiêm dịch vụ nhiều phụ huynh lựa chọn thay vì tiêm vắc-xin miễn phí 5 trong 1 theo chương trình TCMR của quốc gia.
Trong những ngày qua, ngay khi có thông tin Đà Nẵng được bổ sung thêm vắc-xin 6 trong 1 (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do Hib và bại liệt), người dân địa phương và các tỉnh lân cận đã tìm về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để đăng ký tiêm vắc-xin 6 trong 1 cho trẻ. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số đó phải quay về... tay không. Chị Nguyễn Thị Hoàn (trú xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đã 3 lần tìm đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để đăng ký tiêm vắc-xin 6 trong 1 cho con nhưng đều không được. “Nhà ở xa, sáng sớm chạy xuống đến nơi thì đều nhận được thông báo hết số thứ tự”, chị Hoàn cho biết. Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, địa phương vừa được cung ứng 3.000 liều vắc-xin 6 trong 1. Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 400-500 trẻ đăng ký tiêm các loại vắc-xin dịch vụ, trong đó có vắc-xin 6 trong 1. Để bảo đảm tính công bằng, khách quan, đơn vị này tổ chức cho người nhà lấy số thứ tự vào buổi sáng hằng ngày, bắt đầu từ khoảng 7 giờ.
Do số lượng đăng ký đông trong khi số thứ tự chỉ hạn chế trên dưới 500 (mục đích bảo đảm việc tư vấn, theo dõi sau tiêm được diễn ra đúng yêu cầu, kỹ thuật và thời gian) nên có tình trạng chờ đợi từ ngày này qua ngày khác. Bác sĩ Thạnh cũng phủ nhận việc thiếu công khai, minh bạch hay ưu tiên trong việc phân phối, tiêm vắc-xin dịch vụ 6 trong 1; bởi hiện nay, ngoài việc đến trực tiếp lấy số thứ tự, người dân có thể đăng ký tiêm chủng qua mạng Internet.
|
Ngành y tế tăng cường xử lý phản ứng sau tiêm chủng
Chiều 16-1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường xử lý phản ứng sau tiêm chủng đến toàn bộ các cán bộ y tế có liên quan đến hoạt động tiêm chủng tại gần 700 đầu cầu từ các bệnh viện Trung ương đến trạm y tế xã trong cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tiêm chủng là gây ra miễn dịch chủ động nhân tạo, đưa vào cơ thể lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh nhưng có khả năng kích thích cơ thể tạo ra kháng thể. Sau khi có kháng thể, nếu gặp vi-rút gây bệnh, cơ thể đã có sẵn miễn dịch chủ động để không thể mắc bệnh. Để tránh tối đa nguy cơ trẻ phản ứng nặng, tai biến sau tiêm vắc-xin, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ tập huấn toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế liên quan, xử lý sốc triệt để theo quy định ban hành. Đặc biệt, cán bộ y tế cần tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất như tìm hiểu tiền sử sản khoa, tai biến trước đó của trẻ nhỏ, tiền sử bệnh thật, tiền sử dị ứng gia đình. Bộ trưởng cũng khuyến cáo cha mẹ theo dõi sát sao, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu có bất thường.
Theo các chuyên gia y tế, những phản ứng thông thường có thể gặp sau tiêm chủng vắc-xin ComBE Five (DPT-VGB-Hib) là các phản ứng tại chỗ (sưng, đỏ, đau) có thể tới 50%. Sốt (>38ºC) có thể tới 50%. Các triệu chứng toàn thân, kích thích, khó chịu, quấy khóc: có thể tới 55%...
Chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, các phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng cần đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.
Phụ huynh cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm.
Các phụ huynh khi cho con tiêm xong tại cơ sở y tế phường, xã phải để trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi, kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.
Khi về nhà, các phụ huynh tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1-2 ngày sau tiêm chủng về các biểu hiện bất thường và thông báo cho cơ sở y tế gần nhất. Khi trẻ có biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt cao từ 390C trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú… phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Nếu phụ huynh không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng, hãy đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn.
Theo TTXVN
|
Bài và ảnh: PHAN CHUNG