Nỗi lo chất lượng thịt sống

.

Khoảng 85% sản lượng thịt tiêu dùng của thành phố được cung ứng từ các tỉnh lân cận thông qua việc nhập gia súc, gia cầm và giết mổ tại các cơ sở tập trung và các chợ truyền thống trên địa bàn. Thực tế đáng ngại là tỷ lệ thịt tươi sống nhiễm vi sinh vẫn cao.

Trên địa bàn thành phố hiện có 8 cơ sở giết mổ tập trung được phép hoạt động với số lượng tiêu thụ hằng đêm khoảng 100 con trâu bò, 1.500 con heo và khoảng 6.000 con gia cầm. Theo Ban Quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm qua từng năm đều được sửa chữa và nâng cấp, sử dụng nguồn nước thủy cục, hệ thống xử lý nước thải được đầu tư bảo đảm đủ công suất hoạt động.

Năm 2018, lực lượng chức năng kiểm soát giết mổ hơn 27.300 con trâu, bò; 469.000 con heo, dê và hơn 1,4 triệu con gia cầm; đồng thời kiểm tra, phát hiện, xử lý 142 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 288 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tứ, Phó trưởng BQL ATTP thành phố cho biết, mặc dù động vật được đưa vào giết mổ đều có nguồn gốc rõ ràng, được ngành thú y kiểm soát và sản phẩm sau khi giết mổ được vận chuyển bằng thiết bị chuyên dùng nhưng tỷ lệ thịt tươi sống nhiễm vi sinh vẫn cao.

Năm 2018, BQL ATTP thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy 186 mẫu thịt các loại kiểm tra chỉ tiêu vi sinh, chất tạo nạc, kháng sinh, kim loại nặng. Kết quả cho thấy có đến 72 mẫu nhiễm vi sinh vượt ngưỡng cho phép, chiếm gần 39% số mẫu được kiểm tra, đây là tỷ lệ quá lớn.

“Việc giết mổ tại các cơ sở vẫn còn mang tính thủ công. Các cơ sở giết mổ hình thành và hoạt động từ nhiều năm qua, có quy mô nhỏ lẻ, nguồn thu ít, không đủ đầu tư cơ sở hạ tầng. Thói quen giết mổ trên nền đất khiến các loại thực phẩm tươi sống không bảo đảm chất lượng, bị nhiễm khuẩn vi sinh. Ngoài ra, thành phố cũng chưa có chính sách hỗ trợ thích hợp cho các cơ sở giết mổ”, ông Tứ cho biết.

Trong khi đó, tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn tình trạng giết mổ gia cầm. Mặc dù chính quyền các cấp tổ chức kiểm tra, xử lý nhưng thực trạng trên vẫn tồn tại, nhất là khi không có sự xuất hiện của lực lượng chức năng.

Được biết, từ năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành bộ Quy chuẩn quốc gia QCVN 150:2017/BNNPTNT yêu cầu vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ tập trung; trong đó có các yêu cầu nghiêm ngặt về quy hoạch khu giết mổ, điều kiện cơ sở vật chất, mặt bằng. Đặc biệt, khu vực giết mổ gia súc phải có giá treo hoặc giá đỡ bảo đảm thân thịt cao hơn mặt sàn ít nhất 0,3m; phải có bàn hoặc bệ lấy phủ tạng.

“Cần thay đổi thói quen giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay tại các cơ sở giết mổ. Cụ thể là cải tạo, nâng cấp cơ sở tiến tới xóa bỏ việc giết mổ trên nền đất và thay bằng giá treo hoặc bàn. Sự thay đổi này không chỉ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn quốc gia mà còn góp phần quyết định việc nâng cao chất lượng thực phẩm tươi sống, hạn chế tối đa tỷ lệ nhiễm vi sinh”, ông Tứ cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.