Xếp hàng chờ tiêm vắc-xin 6 trong 1

.

Từ trước và sau Tết Nguyên đán, người dân Đà Nẵng và các địa phương lân cận đổ xô về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng để đăng ký tiêm vắc-xin 6 trong 1 (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do Hib và bại liệt) cho trẻ. Đây cũng là thời điểm Đà Nẵng bắt đầu tổ chức tiêm vắc-xin 5 trong 1 ComBe Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia.

Từ 4 giờ sáng, rất nhiều người đã tập trung tại cơ sở tiêm chủng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để chờ bốc số tiêm vắc-xin 6 trong 1.   		                      Ảnh: PHAN CHUNG
Từ 4 giờ sáng, rất nhiều người đã tập trung tại cơ sở tiêm chủng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để chờ bốc số tiêm vắc-xin 6 trong 1.

Theo các nhân viên y tế, tâm lý e ngại cho con em tiêm vắc-xin mới ComBe Five đã tạo nên sự quá tải ở khu vực tiêm vắc-xin dịch vụ. Thực tế này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi người dân tự ý bỏ liều tiêm vắc-xin cho con em mình, bởi số lượng vắc-xin dịch vụ được Bộ Y tế cung ứng hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu.

4 giờ sáng 19-2, gần 20 người dân tập trung trước cổng cơ sở tiêm chủng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (số 103 Hùng Vương), mặc dù theo lịch, mãi đến 7 giờ sáng hằng ngày, số phiếu tiêm chủng mới được phát ra.

Từ 3 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Nhật (trú Cẩm Thanh, Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã có mặt chờ bốc số. “Đây là lần thứ 3 tôi chạy ra đây để chờ bốc số tiêm vắc-xin cho con.Cháu nay đã gần 1 tuổi nhưng mới tiêm được 1 mũi nên phải tìm mọi cách để đăng ký tiêm cho cháu nếu không trễ mất”, anh Nhật lo lắng. 

Tương tự, chị Trần Thị Thùy Vinh (trú tổ 48, phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cũng có mặt từ 3 giờ 30 để chờ bốc số tiêm vắc-xin. “Hai đứa cháu gần 1 tuổi còn thiếu mũi tiêm cuối cùng. Chiều qua mẹ cháu lên đăng ký nhưng không còn số nên sáng nay phải chạy lên xếp hàng hy vọng bốc được số cho cháu”, chị Vinh cho biết.

Tuy nhiên, tất cả đều thất vọng và lục tục ra về khi đọc kỹ bảng thông báo dán trước cổng cơ sở tiêm chủng: “Hiện nay vắc-xin 6 trong 1 đã hết, dự kiến đến chiều 19-2 mới có vắc-xin trở lại”.

Theo bác sĩ Trần Bảo Ngọc, Phó phòng Khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trung bình mỗi ngày cơ sở có khả năng tiếp nhận tối đa 600 lượt tiêm vắc-xin cho trẻ, trong đó có khoảng 450 lượt tiêm vắc-xin dịch vụ 6 trong 1. Hiện số lượng đăng ký tiêm vắc-xin qua trang web của Trung tâm (ksbtdanang.vn) rất nhiều nên cơ sở phải cân đối số lượng phiếu phát ra để tránh tình trạng dư thừa.

Hàng trăm phụ huynh mệt mỏi chờ tiêm vắc-xin 6 trong 1 cho con em mình.
Hàng trăm phụ huynh mệt mỏi chờ tiêm vắc-xin 6 trong 1 cho con em mình.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khẳng định: “Nguyên nhân của sự quá tải khi đi tiêm vắc-xin dịch vụ 6 trong 1 xuất phát từ tâm lý e ngại, lo sợ khi lần đầu vắc-xin 5 trong 1 ComBe Five được triển khai trong chương trình TCMR. Thực tế này cũng là một khó khăn, trở ngại của đơn vị trong việc triển khai các hoạt động dự phòng”.

Trên thực tế, từ ngày 15-1, chương trình tiêm vắc-xin 5 trong 1 ComBe Five đã được triển khai tại 3 địa phương trên địa bàn thành phố gồm: huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn. Từ ngày 16-2, chương trình TCMR vắc-xin ComBe Five được triển khai tại những địa phương còn lại trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, tỷ lệ tiêm vắc-xin 5 trong 1 ComBe Five trong chương trình TCMR chỉ đạt 30-40% số trẻ trong độ tuổi, quá thấp so với trước đây, khi vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem được sử dụng (đạt 90%).

“Những con số này xuất phát từ tâm lý của phụ huynh lo sợ phản ứng sau tiêm. Thực tế qua 2 đợt tiêm vắc-xin 5 trong 1 ComBe Five vừa qua, chúng tôi chỉ ghi nhận một số trường hợp trẻ sốt và xin khẳng định đó là phản ứng hoàn toàn bình thường, hợp lý khi cơ thể trẻ tiếp nhận một lượng kháng thể mới. Bên cạnh đó, trước khi triển khai TCMR, công tác tập huấn, tư vấn, khám sàng lọc cho trẻ đều được chuẩn bị và thực hành rất kỹ”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Hiện số lượng vắc-xin dịch vụ 6 trong 1 được Bộ Y tế cung ứng cho Đà Nẵng rất nhỏ giọt, không thể đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân thành phố và các địa phương lân cận. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khuyến cáo người dân nên cân nhắc, lựa chọn đúng, kịp thời, tuyệt đối không để trẻ bỏ sót mũi tiêm, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, thời tiết đang ấm lên là môi trường lý tưởng để bùng phát các loại dịch bệnh.

Đà Nẵng chưa ghi nhận dịch sởi

Đó là khẳng định của bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố trước thông tin dịch sởi đang xuất hiện và bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước từ trước và sau Tết Nguyên đán. Theo bác sĩ Lãm, qua hoạt động giám sát, từ đầu năm 2019 đến nay, Đà Nẵng chỉ ghi nhận 10 trường hợp dương tính với bệnh sởi. “Con số này cho thấy công tác tiêm chủng rất quan trọng. Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi cao, đạt trên 95%”, bác sĩ Lãm cho biết.

Tuy nhiên, ngành y tế cũng khuyến cáo trong năm 2019, chu kỳ 5 năm dịch sởi có thể lặp lại tại nhiều địa phương, trong đó có Đà Nẵng (năm 2014, Đà Nẵng bùng phát dịch sởi với hơn 300 ca được ghi nhận dương tính). Do đó, phụ huynh cần lưu ý trẻ từ 9 tháng đến 1 tuổi phải được tiêm mũi 1 vắc-xin sởi tại trạm y tế xã, phường và 18-24 tháng phải tiêm mũi 2; thực hiện nghiêm túc việc tiêm nhắc lại mũi vắc-xin sởi cho trẻ trong độ tuổi 1-5 tuổi.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.