Không chủ quan với bệnh sởi

.

Số bệnh nhân mắc bệnh sởi trên địa bàn thành phố có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây. Ngành y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chú ý công tác phòng ngừa bệnh đối với con, em mình bởi hiện nay bệnh sởi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi khả năng biến chứng lại rất cao.

Cần tiêm vắc-xin sởi đúng độ tuổi, đủ liều cho trẻ.
Cần tiêm vắc-xin sởi đúng độ tuổi, đủ liều cho trẻ.

Mới đây, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng tiếp nhận cháu N.K.D. (4 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) nhập viện trong tình trạng sốt gần 40 độ, mắt ướt, chảy nước mũi, ho và rối loạn tiêu hóa. Chị Ngọc, mẹ cháu D. cho biết, gia đình nghĩ cháu cảm cúm thông thường nên điều trị ở nhà bằng thuốc hạ sốt. Đến khi cháu sốt li bì, cơ thể mệt mỏi, gia đình mới tá hỏa đưa cháu nhập viện và sau đó được các bác sĩ chẩn đoán dương tính với vi-rút sởi.

Hiện cháu đang được theo dõi, điều trị chứng viêm phổi, suy hô hấp - đây là một dạng biến chứng nặng của bệnh sởi. Thông tin cháu D. dương tính với vi-rút sởi được cung cấp cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố; sau đó, đơn vị này phối hợp với địa phương tổ chức điều tra, giám sát tại gia đình thì phát hiện ra cháu D. chưa được gia đình đưa đi tiêm vắc-xin sởi lần nào.

Tính đến đầu tháng 4-2019, Đà Nẵng đã ghi nhận 43 trường hợp dương tính với sởi, tập trung ở một số địa phương, như: Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn.

Theo bác sĩ Đặng Quang Ánh, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố, phần lớn trẻ mắc bệnh sởi tại Đà Nẵng được phát hiện đều không được tiêm vắc-xin sởi hoặc tiêm không đầy đủ 2 mũi theo độ tuổi.

“Đây là một thực tế rất đáng lo ngại bởi sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh dễ lây lan thành dịch ở những khu vực đông người như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, khu đông dân cư. Khi trẻ chưa có kháng thể chống sởi sẽ dễ dàng bị lây nhiễm vi-rút sởi khi hít phải các hạt nước bọt này hoặc để tay tiếp xúc với sàn nhà, đồ chơi, khăn mặt, quần áo”, bác sĩ Ánh cho biết.

Việc tiêm vắc-xin sởi cho trẻ được triển khai hằng tháng tại các trạm y tế phường, xã theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Theo đó, trẻ từ 9 tháng đến dưới 12 tháng tuổi phải được tiêm mũi vắc-xin sởi đầu tiên tại các trạm y tế, từ 18 đến 24 tháng tuổi phải được tiêm mũi nhắc lại vắc-xin sởi - Rubella. Vừa qua, Đà Nẵng đã tổ chức tiêm  vắc-xin sởi cho hơn 57.000 trẻ em trong độ tuổi theo chiến dịch tiêm bổ sung của Bộ Y tế, đạt khoảng 95% kế hoạch. Điều đó có nghĩa, khoảng 3.000 trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi và nguy cơ dịch sởi bùng phát vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ngay sau khi mắc sởi, sức đề kháng của trẻ giảm một cách đáng kể. Vì vậy, trẻ rất dễ bị biến chứng bởi sự tấn công của vi khuẩn do bội nhiễm hoặc vi-rút khác không phải vi-rút sởi. “Biến chứng dễ gặp nhất là gây tiêu chảy, viêm thanh quản, viêm phế quản, đặc biệt là viêm phổi từ mức độ nhẹ đến nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, một số bệnh nhi bị sởi có thể bị biến chứng viêm não - màng não, có thể để lại hậu quả rất nặng nề”, bác sĩ Ánh khuyến cáo.

Cách phòng chống đặc hiệu nhất đối với bệnh sởi đó là đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đúng, đủ liều theo độ tuổi. Ngoài ra, người nhà nên thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hằng ngày cho trẻ; không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng; lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; nên hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch... Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban), gia đình cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.