Theo Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước với 27.153 ca, tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2018, đã có ca tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN) |
Ngày 19-7, tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2019 khu vực phía Nam diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo các địa phương cần gấp rút có những giải pháp hiệu quả nhằm chặn đứng dịch bệnh sốt xuất huyết, giảm số ca mắc, hạn chế tử vong do bệnh này.
Theo Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước với 27.153 ca, tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2018, đã có ca tử vong.
Tương tự, tỉnh Đồng Nai cũng có số ca mắc sốt xuất huyết cao - trong sáu tháng đầu năm 2019 tỉnh Đồng Nai ghi nhận có 5.093 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2018.
"Số ca mắc cao thì số trường hợp tử vong chắc chắn sẽ cao, do đó nhiệm vụ trước mắt là phải hạn chế số ca mắc thì mới có thể hạn chế tử vong, chặn đứng được dịch bệnh sốt xuất huyết," Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nhược điểm lớn nhất trong phòng, chống dịch bệnh hiện nay là công tác truyền thông "chưa đúng, chưa trúng."
Lâu nay, truyền thông địa phương thường tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết bằng các thông điệp như khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường...
Trong khi đó, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết thường sinh sôi, phát triển trong môi trường nước sạch, vì thế cần tuyên truyền người dân thường xuyên súc rửa các dụng cụ chứa nước như bể, lu, bình hoa, loại bỏ các vật phế phải chứa nước mưa...
Về công tác điều trị, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay công tác phân luồng, lọc bệnh đối với bệnh nhân sốt xuất huyết chưa thực sự tốt khiến cho một số bệnh viện tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 rơi vào tình trạng quá tải.
Trong khi đó, thực tế chỉ khoảng 10-20% bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết rơi vào tình trạng nặng (sốc hoặc chuẩn bị vào sốc), còn lại khoảng 80% bệnh nhân mức độ nhẹ có thể điều trị tại địa phương hoặc tự khỏi bệnh.
"Tại sao Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới lại để bệnh nhân nằm la liệt như vậy trong khi đó với những bệnh nhân sốt xuất huyết độ 3, độ 4 có thể điều trị tại địa phương? Việc bệnh viện tuyến trên cho nhập viện ồ ạt như hiện nay là không cần thiết," Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.
Theo Bộ Y tế, năm 2019, dịch bệnh dự báo sẽ tiếp tục gia tăng đặc biệt là ở các khu vực miền Nam, Tây Nguyên, những đô thị có mật độ dân cư lớn. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tổ chức các đợt truyền thông mạnh mẽ, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng quy mô lớn từ nay đến cuối năm, các bệnh viện cần phân loại, phân luồng bệnh nhân, điều trị tốt ở bệnh viện tuyến dưới, không để quá tải ở tuyến trên nhằm giảm trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Theo Vietnamplus.vn