Những tháng hè qua, nhiệt độ lập đỉnh với mức trung bình trên 35 độ đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, lịch sinh hoạt, làm việc của người dân, đặc biệt đối với những lao động phải thường xuyên làm việc ở ngoài trời.
Để làm việc được trong điều kiện nắng nóng, công nhân tưới cây xanh, thảm cỏ đã làm sớm, nghỉ sớm và trang bị thêm trang phục chống nắng. |
Đổi giờ làm việc
Đã có thâm niên trên 10 năm làm nghề cào nghêu, ốc ở sông Hàn đoạn gần cầu Tiên Sơn, nhưng những tháng gần đây, ông Nguyễn Văn Mười, trú phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) phải thay đổi lịch làm việc vốn đã ổn định lâu nay. Thông thường thì khoảng 7 giờ sáng, ông xuống nước và làm việc một mạch cho đến 10, 11 giờ mới nghỉ. Thế nhưng từ 3 tháng nay, khoảng 5 giờ ông đã xuống sông và 9 giờ phải lên bờ về nhà, bất luận cào được bao nhiều nghêu, ốc. Bởi trước đây tầm 10 giờ trở đi thì trời mới nắng rát, nhưng vài tháng nay tầm 8-9 giờ nắng đã rát da, rát thịt và đến 10 giờ thì “hoa cả mắt” nên không thể làm tiếp.
Bà Lê Thị Lý, một cư dân làng chài ở đoạn sông này cho biết, mới tháng trước chồng bà suýt mất mạng khi đang ngồi trên ghe cúi người xuống thả lưới rồi cắm người xuống sông luôn, may là có người gần đó đến kéo lên. Tỉnh dậy ông cho biết do nắng nóng quá, mất nhiều nước nhưng cố làm thêm một tí nhưng không ngờ lả đi lúc nào không hay.
Bà Trần Thị Tú, đang làm việc thời vụ cho Đội cảnh quan cây xanh Công ty TNHH Xây dựng TM&DV Thuận Đức cho biết, dù vốn là nông dân, việc nắng mưa đã quen từ nhỏ, song thời gian gần đây nhiều thời điểm, bà làm việc trong trạng thái muốn ngất đi vì nắng nóng quá sức chịu đựng.
Bà Tú cho biết, từ tháng 5-2019, công ty đã hỗ trợ cho mỗi ngày công thêm 30.000 đồng để ăn trái cây và nước, nâng tiền công mỗi ngày lên 230.000 đồng, đồng thời cũng đồng ý cho công nhân linh động giờ làm việc cho đủ 8 tiếng. Vì vậy, vài tháng nay, từ 5 giờ sáng bà đã chạy xe từ Đại Lộc ra Đà Nẵng làm sớm để nghỉ sớm, buổi chiều thì 4 giờ bắt đầu cho tới đêm.
Đợt nắng nóng đỉnh điểm này cũng khiến cho thợ xây dựng, vốn nổi tiếng chịu nắng nóng giỏi cũng phải thay đổi giờ làm việc, đồng thời phải trang bị thêm “dụng cụ” chống nắng. Ông Lương Văn Dũng, một chủ thầu xây dựng thường xuyên có trong tay cả trăm thợ, thời gian gần đây buộc phải đồng ý thay đổi giờ làm việc, cũng như trang bị thêm nhiều dù, bạt che nắng cho thợ.
“Riêng như ngày 12-7 vừa qua, khi đọc báo cho biết tia UV ở Đà Nẵng và Hà Nội lên đến mức 12, nghe nói dễ gây ung thư da, nên tôi đã cho công nhân nghỉ lúc 10 giờ và buổi chiều cũng cho họ nghỉ luôn”, ông Dũng nói.
Lưu ý uống nước đúng cách
Theo ghi nhận của chúng tôi, đối tượng lao động chịu nắng nóng “kinh người’ nhất chính là những người thợ chùi kính trên các tòa nhà cao tầng ở thành phố. Từng có thời gian dài làm nghề này ở thành phố Hồ Chí Minh, từng đu người trên những tòa nhà 30-40 tầng và có thể làm việc một mạch 3-4 giờ mới xuống, thế nhưng anh Nguyễn Văn Hùng, ở phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cho biết là đợt nắng nóng này nếu làm như vậy khi xuống chắc còn cái... xác khô.
Anh cho biết, thường thì mỗi khi lên giàn kéo tất cả lao động đều mặc đồ chống nắng cẩn thận, khẩu trang 2 lớp, khăn trùm đầu, găng tay, kính râm và nhất là phải có ít nhất 1,5 lít nước cho 1 ca làm 2 giờ. Tuy nhiên, với thời tiết hiện nay, tầm 1,5 giờ đã hết nước uống và cũng là lúc cơ thể gần như kiệt hết sức vì nắng nóng phả ra từ những tấm kính chẳng khác gì lò nướng. Mới tháng trước, một thợ chùi kính đã ra hiệu kéo giàn xuống gấp vì nắng quá rát, khiến anh bị mất phương hướng, không thể tiếp tục làm việc.
Bác sĩ Nguyễn Tường Minh, Trưởng khoa Khám bệnh-Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, từ tháng 3 đã xuất hiện rải rác một số trường hợp người lao động bị sốc nhiệt, do thời gian làm việc ở ngoài trời nắng nóng. Đặc biệt gần đây, trung bình mỗi ngày có từ 7-10 trường hợp phải cấp cứu, rất may là chưa có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra. Tại khoa, ngoài lý do nắng nóng, việc người lao động vì quá khát uống một hơi dài quá nhiều nước, khiến cho việc trao đổi chất gặp khó khăn, dễ dẫn đến hiện tượng sốc nhiệt.
“Với diễn biến thời tiết hết sức bất lợi, nhiệt độ trung bình vẫn duy trì ở mức cao, người lao động ngoài trời cần trang bị đủ dụng cụ che nắng, thay đổi giờ làm phù hợp, chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung rau xanh, trái cây và nhất là uống nước nhiều lần- thay vì mỗi lần uống rất nhiều nước- để bảo vệ sức khỏe, bảo đảm ổn định công việc, cuộc sống”, bác sĩ Minh khuyên.
Bài và ảnh: THANH VÂN