Quyết liệt kiểm soát, khống chế bệnh sốt xuất huyết

.

Ngày 3-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương để bàn phương án kiểm soát, khống chế bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang ngày một gia tăng trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Y tế thành phố, từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng ghi nhận gần 3.500 trường hợp mắc SXH, tăng 2,7 lần so với năm 2018. Một số địa phương có tỷ lệ mắc SXH cao là huyện Hòa Vang với 30 ca (4,5 lần so với năm 2018), Thanh Khê 896 ca (tăng 3,7 lần), Hải Châu 665 ca (tăng 3,3 lần), Sơn Trà 455 ca (tăng 2,9 lần)... Theo ý kiến của ngành y tế và các địa phương, diễn biến của bệnh SXH rất phức tạp, không theo chu kỳ cố định như các năm. Công tác giám sát tại cộng đồng cho thấy, nguyên nhân lớn nhất vẫn là do ý thức của người dân trong việc phòng chống như diệt lăng quăng, bọ gậy còn lơ là; chưa phối hợp tốt với ngành y tế trong việc phun thuốc phòng dịch, diệt muỗi; môi trường chưa được xử lý sạch sẽ, dễ tạo điều kiện phát sinh muỗi, bọ gậy…

Bên cạnh đó, sự phối hợp của các xã, phường, tổ dân phố, ban, ngành, đoàn thể chưa thật sự hiệu quả, trong khi lực lượng cán bộ y tế truyền thông còn mỏng. Mặc dù từ đầu năm đến nay, thành phố đã ban hành và triển khai kế hoạch phòng chống SXH, hướng dẫn quy trình giám sát phòng chống dịch, huy động lực lượng tham gia phòng chống dịch; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về dịch, song, số ca mắc SXH vẫn không giảm.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị các sở, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống SXH.

Trước mắt, thành phố sẽ tiến hành chiến dịch cao điểm về phòng chống SXH vào các ngày chủ nhật (11 và 25-8), huy động toàn bộ lực lượng phun thuốc, dọn vệ sinh môi trường. Chiến dịch này sẽ được thực hiện đi vào chiều sâu, lưu ý tại các nhà hàng, trại chăn nuôi, bãi tập kết rác thải, các khu nhà trọ, khu tập thể...

Theo đó, UBND các quận, huyện chủ động lập kế hoạch cụ thể để huy động lực lượng các ban, ngành, đoàn thể tham gia tuyên truyền vận động, yêu cầu sự tự giác và hợp tác của từng hộ gia đình. Các cơ quan, tổ chức như các trường học, liên đoàn lao động, Ban quản lý KCN phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền đến học sinh, sinh viên, người lao động tham gia dọn vệ sinh, phát hiện và báo cáo các ổ dịch, ca dịch SXH để xử lý sớm. Các cơ quan truyền thông của thành phố  khẩn trương vào cuộc để nâng cao nhận thức, làm thay đổi hành vi của cộng đồng trong vấn đề này.

PHAN CHUNG
 

;
;
.
.
.
.
.