Vì 'bữa ăn sạch' cho người dân - Bài 3: Hành trình gian nan

.

Sau Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là địa phương thứ hai trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2018. Đây là bước khởi đầu hết sức có ý nghĩa trong việc bảo đảm bữa ăn an toàn cho người dân, tuy nhiên, hành trình này còn rất nhiều gian nan, thử thách.

Một lò giết mổ gia súc không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Một lò giết mổ gia súc không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Lúng túng, bị động...

Tháng 5-2018, cả nước rúng động trước thông tin 95 mẫu ớt bột được phân tích và phát hiện dư lượng aflatoxin vượt ngưỡng cho phép có thể dẫn đến ung thư. Tại Đà Nẵng, ngay lập tức BQL ATTP thành phố đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu ớt được bày bán tại một số chợ trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, từ sự việc này có thể thấy, công tác kiểm tra, phát hiện thực phẩm bẩn, có chứa độc tố còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do năng lực kiểm nghiệm hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các mẫu ớt bột sau khi lấy về sẽ được gửi đi phân tích 3 chỉ số gồm nấm, độ ẩm và hoạt chất aflatoxin. Thời gian cho ra kết quả dự kiến sau 10 ngày. Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ATTP, ông Nguyễn Tứ, Phó BQL ATTP thành phố cho biết, khó khăn, trở ngại lớn nhất trong lĩnh vực này hiện nay chính là năng lực kiểm nghiệm thực phẩm còn quá yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Hiện trên địa bàn thành phố có một số trung tâm kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, cả 2 trung tâm này vẫn chưa đủ năng lực để kiểm nghiệm, phân tích hết các mẫu thực phẩm.

Năm 2016, khi lần đầu tiên phát hiện chất vàng ô ở trong măng tươi có khả năng gây ung thư, lực lượng chức năng tại thành phố đã phải gửi mẫu ra Hải Phòng và chờ đợi gần 15 ngày mới có kết quả. Tương tự, khi Quyết định số 35/QĐ-UBND của UBND thành phố có hiệu lực từ đầu năm 2017, hằng tháng, các cơ quan chức năng phải tiến hành gửi mẫu nông sản được lấy tại chợ Đầu mối Hòa Cường đi Thành phố Hồ Chí Minh phân tích đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

“Chưa kể, hiện nay có một số hoạt chất chưa được các bộ, ngành Trung ương chỉ định kiểm tra nên khi phát hiện ra chất đó có trong thực phẩm, chúng tôi loay hoay không biết xử lý như thế nào. Đơn cử như Nattri Benzoat dùng trong sản xuất nem, chả, chất huỳnh quang có trong bún, mì đều chưa được chỉ định kiểm tra. Hay đơn cử như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chúng ta được chỉ định kiểm nghiệm 96 hoạt chất nhưng trên thực tế có đến 1.200 hoạt chất”, ông Tứ cho biết.

Đi tìm “thời gian vàng”...

Một trong những điều kiện “cần và đủ” khi thành lập BQL ATTP theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 25-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ, đó là phải có Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu. Ngày 29-12-2018, UBND thành phố ban hành Quyết định số 6435/QĐ-UBND về việc thành lập đơn vị này. Trung tâm có 37 người, gồm 3 phòng Hóa lý, Vi sinh, Tổ chức hành chính và 1 Khoa Thông tin truyền thông với các trang thiết bị được đề xuất lắp đặt, cung cấp dự kiến lên đến 150 tỷ đồng.

Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu có chức năng kiểm nghiệm chất lượng, ATTP đối với sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm an toàn cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt được ban thực hiện trong thời gian qua nhưng trên thực tế bộc lộ quá nhiều khó khăn, hạn chế.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố, tính ưu việt của Trung tâm chính là sự kịp thời, chủ động. Thực tế, hiện nay năng lực kiểm nghiệm thực phẩm hiện còn quá yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Sự bị động về thời gian và kết quả kiểm nghiệm khiến việc kiểm soát, xử lý những vi phạm về ATTP hiện nay giống như “chạy theo bóng”. Phần lớn các mẫu thực phẩm sau khi lấy sẽ được gửi đi Hải Phòng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành phân tích.

Sở dĩ thời gian kéo dài do phải phụ thuộc hoàn toàn với đối tác vì họ có quá nhiều đơn hàng. “Khi tiến hành lấy mẫu có nghi ngờ về chất lượng thực phẩm, cơ quan chức năng chưa có quyền niêm phong, cấm tiêu thụ lô hàng, cũng không có cơ sở pháp lý để xử phạt hành chính. Cho nên khi có kết quả thì nguồn thực phẩm đó có khi đã đến tay người tiêu dùng hoặc được tiêu thụ hết. Việc xử lý khi đó chỉ mang tính chất khoanh vùng, ngăn chặn nguy cơ về sau”, ông Hải nói. Việc rút ngắn thời gian kiểm nghiệm để cho kết quả phân tích là rất quan trọng.

Thực phẩm là lĩnh vực phức tạp, có nhiều nguy cơ và có ảnh hưởng trực tiếp đến cả cộng đồng nên chỉ cần kết quả phân tích, kiểm nghiệm thực phẩm sớm hơn một giờ đồng hồ là đã thuận lợi đủ đường. Nó giúp cơ quan chức năng có những quyết sách đúng đắn, loại bỏ kịp thời nguy cơ gây hại đến sức khỏe cho nhiều người.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG
 

;
;
.
.
.
.
.