Chăm sóc sức khỏe sinh sản lao động nữ

.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam, giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, đến nay việc chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với công nhân là lao động nữ trong các khu công nghiệp (KCN) vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được các cấp, các ngành quan tâm.

Tư vấn cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cho lao động nữ tại Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng.
Tư vấn cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cho lao động nữ tại Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 6 KCN, giải quyết việc làm cho hơn 76.000 lao động; trong đó, nữ công nhân chiếm tỷ lệ cao từ 60 - 70%. Thực tế cho thấy, việc quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ lại đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Bởi thực tế, hầu hết lao động nữ tại các KCN là những người dưới 35 tuổi, đang trong độ tuổi sinh đẻ. Các chuyên gia về sức khỏe sinh sản khuyến cáo, do phụ nữ có đặc điểm sinh học khác nam giới, cho nên lao động nữ là một trong những đối tượng có nguy cơ cao trong quan hệ tình dục không an toàn. Không ít lao động nữ thiếu hiểu biết về các biện pháp tình dục an toàn, phòng tránh bệnh lây nhiễm, tránh thai, nên dẫn đến tình trạng nạo phá thai không an toàn.

Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân lao động nữ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và trí tuệ của con cháu họ. Bên cạnh đó, do kinh tế eo hẹp, thiếu hiểu biết... là những rào cản khiến cho lao động nữ ít được tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Điều kiện lao động tại doanh nghiệp ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe lao động nữ, nhất là trong môi trường lao động đặc thù ở các ngành sử dụng lao động nhiều như: Gia công may, da giày, chế biến hải sản và một số ngành, nghề đặc thù khiến thời gian ngồi làm việc kéo dài, thao tác đơn điệu... gây mệt mỏi, phát sinh nhiều bệnh lý ảnh hưởng sức khỏe.

Theo điều tra của Viện Công nhân, Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhiều năm, qua hồ sơ khám sức khỏe của công nhân cho thấy, một số bệnh lao động nữ mắc phải thường liên quan điều kiện lao động, như: Hội chứng đau hông, lưng, bả vai; thoái hóa đốt sống cổ do tư thế ngồi làm việc nhiều giờ; hiện tượng khung xương chậu hoạt động kém do ngồi nhiều cho nên thường phải mổ đẻ... Các doanh nghiệp bố trí nơi cho công nhân uống nước, nhà vệ sinh nhưng chưa hợp lý, còn ở xa vị trí làm việc.

Có doanh nghiệp do đặc thù sản phẩm quy định không cho công nhân mang nước uống vào nơi làm việc. Cá biệt, có doanh nghiệp còn quy định trong một dây chuyền chỉ cho phép hai người đi vệ sinh cùng lúc, dẫn đến tình trạng các lao động nữ bị mắc các bệnh viêm đường tiết niệu, sinh dục... do hạn chế uống nước và đi vệ sinh. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã chú trọng tổ chức khám sức khỏe cho công nhân lao động, nhưng các hoạt động bài bản chưa phổ biến; cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ ở doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, mục tiêu của Chiến lược dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam, giai đoạn2011-2020 có đề cập các nội dung: Giảm tỷ lệ phá thai, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn; hạn chế vô sinh thứ phát; giảm nhanh tình trạng nhiễm khuẩn đường sinh sản; cải thiện chăm sóc sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên và các nhóm dân số đặc thù (nam giới, người di cư, người tàn tật). Tuy nhiên, cho đến nay, các mục tiêu nêu trên chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Thiết nghĩ, bên cạnh xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện, thiết chế văn hóa... cho công nhân, thành phố cần tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong các hoạt động giám sát việc chăm sóc sức khỏ sinh sản lao động nữ; có chế tài đủ mạnh xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách pháp luật lao động và về dân số, sức khỏe sinh sản.

Đề án Truyền thông, tư vấn và cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các KCN giai đoạn 2019-2025, do Bộ Y tế chủ trì, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp thực hiện cần hướng tới cách tiếp cận riêng biệt, phù hợp điều kiện sống và làm việc của nhóm đối tượng đặc thù này, giúp họ nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng tại ngay địa bàn nơi họ sinh sống, làm việc.

Bài và ảnh: MAI HOA

;
;
.
.
.
.
.