Thời gian qua, Đà Nẵng đã làm tốt công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nhờ đó, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Nếu được phát hiện sớm và theo dõi điều trị sẽ giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. (Ảnh minh họa) |
Chị L. (37 tuổi, ở quận Thanh Khê) bị phát hiện nhiễm HIV đã hai năm nay. Sau thời gian đầu suy sụp tinh thần, chị được các bác sĩ tư vấn, điều trị tích cực và bây giờ chị quyết định mang thai đứa con thứ hai. Hạnh phúc đã mỉm cười với chị khi con chị sinh ra không bị nhiễm HIV. Chị H. (32 tuổi, ở quận Hải Châu) cùng là một trường hợp như thế. Sau khi đi khám thai tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, chị mới được các bác sĩ phát hiện bị nhiễm HIV. Rồi chị H. cũng được các bác sĩ tư vấn điều trị dự phòng để không lây bệnh cho con. Sau đó, chị sinh một bé trai khá bụ bẫm và không bị nhiễm HIV từ mẹ.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (gọi tắt là Trung tâm), từ đầu năm đến nay, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố xét nghiệm sàng lọc HIV cho khoảng hơn 3.000 phụ nữ mang thai, 8 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và đã được điều trị dự phòng ARV, 8 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm PCR để chẩn đoán khẳng định tình trạng nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi kết quả âm tính. Trung tâm đã tư vấn, điều trị phơi nhiễm HIV cho 52 trường hợp (trong đó có 4 trường hợp phơi nhiễm do nghề nghiệp và 48 trường hợp phơi nhiễm ngoài cộng đồng).
Trung tâm cũng đã thực hiện cấp phát thuốc ARV cho bệnh nhân tại Phòng khám ngoại trú người lớn - Bệnh viện Da liễu thông qua Bảo hiểm Y tế từ ngày 22-3-2019. Ngoài ra, đơn vị cũng duy trì hoạt động nhóm chăm sóc tại nhà với 14 đồng đẳng viên; thực hiện hỗ trợ, chăm sóc cho 220 người nhiễm HIV tại cộng đồng. Thực tế, để đạt và duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, người bệnh cần tuân thủ điều trị thuốc ARV và xét nghiệm tải lượng virus định kỳ. Hiện nay thuốc ARV có thể giúp người bệnh sống thêm 50 năm kể từ ngày điều trị.
Thời gian qua, Đà Nẵng thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; các hoạt động can thiệp giảm tác hại được triển khai đồng bộ và phối hợp liên ngành. Công tác điều trị, chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS bảo đảm duy trì tốt bằng nguồn ngân sách thành phố. Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, thực tế vẫn còn nhiều phụ nữ mang thai chưa tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con do thiếu thông tin, kiến thức về phòng, chống HIV nói chung và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng.
Ngoài ra, nhiều trường hợp vì sợ cộng đồng xa lánh, sợ bị phân biệt kỳ thị nên đã giấu bệnh dẫn đến đứa trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị nhiễm HIV. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần tìm đến cán bộ y tế, tư vấn viên để được hỗ trợ, giúp đỡ. Bên cạnh đó, sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, đặc biệt là sự gần gũi, cảm thông của người thân trong gia đình là rất quan trọng.
Bác sĩ Chung cho rằng, nếu biết cách dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm, tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV sẽ giảm nhiều và bớt đi nỗi đau của những gia đình có người mắc HIV. “Khi mẹ bị nhiễm HIV, nếu được phát hiện sớm ngay từ những tháng đầu của thai kỳ, sẽ được tư vấn về dinh dưỡng và theo dõi điều trị để giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con đến mức thấp nhất”, bác sĩ Chung nhấn mạnh.
Bài và ảnh: LÊ MẬN