Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, xây dựng lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp... nhằm thực hiện đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Đây là những bước đi nhằm hiện thực hóa Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23-02-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công cũng như Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Theo ông Nguyễn Văn Trí, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, BHXH thành phố, hiện mỗi tháng đơn vị chi trả dịch vụ an sinh xã hội cho khoảng 51.000 người với số tiền khoảng 200 tỷ đồng, trong đó có khoảng 17.000 người nhận chế độ qua thẻ ATM, còn lại khoảng 34.000 nhận tiền mặt. Để thực hiện nhiệm vụ này, BHXH thành phố đã ký kết chương trình phối hợp với Bưu điện thành phố, thực hiện chi trả chế độ an sinh xã hội hằng tháng cho người dân.
Tuy nhiên, việc chi trả chế độ an sinh xã hội bằng tiền mặt hiện nay cũng bộc lộ nhiều khó khăn. Một số người là hưu trí tuổi cao, đau ốm không thể trực tiếp nhận thì phải có giấy ủy quyền để người thân nhận thay nên thủ tục mất thời gian. Việc chi trả trực tiếp mất thời gian, có nhiều rủi ro, dễ mất, thất lạc tiền cho người nhận. Trước đó, BHXH Việt Nam cũng đã ban hành kế hoạch, có văn bản gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích phát triển số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị giai đoạn 2019-2021.
Trước tình hình trên, BHXH thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Công văn số 5657/UBND-BHXH về việc đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, UBND thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, số tiền chi trả an sinh xã hội thực hiện qua ngân hàng đạt 20%; đến năm 2021, 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND thành phố yêu cầu BHXH thành phố phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền vận động, khuyến khích phát triển người nhận các chế độ trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp... qua tài khoản cá nhân; vận động, khuyến khích các đơn vị sử dụng lao động thanh toán chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp BHXH một lần... cho người lao động qua tài khoản cá nhân của người lao động.
“Vừa qua, BHXH thành phố cũng đã tổ chức làm việc với lãnh đạo BHXH các quận, huyện, lãnh đạo các địa phương này, đại diện ngân hàng, bưu điện và sở, ngành liên quan trong việc thực hiện các kế hoạch tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người thụ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp ở địa phương nhận các chế độ trợ cấp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Mục tiêu của kế hoạch này hướng đến là hạn chế giao dịch tiền mặt, tăng cường cải cách hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, nhanh chóng kịp thời cho người thụ hưởng”, ông Trí cho biết thêm.
PHAN CHUNG