Từ một loại bệnh chỉ bùng phát theo mùa, vài năm gần đây, bệnh tay-chân-miệng (TCM) xuất hiện vào mọi thời điểm trong năm với số ca nhập viện ngày càng tăng. Ngành y tế thành phố khuyến cáo cần có sự chủ động, hiểu biết của người thân trong việc chăm sóc sức khỏe hằng ngày cho trẻ để hạn chế nguy cơ bùng phát bệnh này.
Số bệnh nhân mắc tay-chân-miệng đang có dấu hiệu gia tăng, người lớn cần chăm sóc, vệ sinh con em thường xuyên để phòng, chống bệnh. |
Ngày 26-9, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng thu dung điều trị 106 bệnh nhi, trong đó có 53 bệnh nhi bị TCM. Những số liệu ban đầu từ đơn vị này cho thấy, số bệnh nhi mắc TCM bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Bé Lê Uyên S. (20 tháng tuổi, trú quận Thanh Khê) được gia đình đưa vào nhập viện ngày 23-9 với dấu hiệu miệng xuất hiện những nốt nhỏ li ti, sốt 39-40 độ, quấy khóc liên tục.
Ở giường bên cạnh, cháu Trần Duy Q. (27 tháng tuổi, trú huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được người nhà chuyển từ bệnh viện địa phương ra Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng trong tình trạng da rát đỏ, mụn nước bọc quanh bàn tay, miệng. Q. là 1 trong 3 bệnh nhi bị TCM ở mức độ 2B đang được các bác sĩ theo dõi, điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, ngoài số bệnh nhi bị TCM đang điều trị nội trú, mỗi ngày đơn vị còn tiếp nhận khám ngoại trú cho hàng chục trẻ mắc bệnh này.
TCM là bệnh xuất hiện phổ biến ở trẻ 1-5 tuổi, trong đó trẻ 1-3 tuổi dễ mắc nhất. “Hiện khoa có 65 giường nhưng trên thực tế luôn thu dung điều trị trên 100 bệnh nhân; thời điểm này bệnh nhân mắc TCM là phổ biến nhất.
Hiện khoa và bệnh viện đã lên phương án điều trị trong trường hợp bệnh TCM gia tăng đột biến. Đó là sử dụng hội trường, căng tin để làm bệnh viện dã chiến, sẵn sàng cung ứng thuốc, vật tư, nhân lực chăm sóc, điều trị kịp thời cho bệnh nhi TCM”, bác sĩ Ngữ cho biết.
Theo các bác sĩ, TCM lây truyền bằng đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu lây lan qua dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn, ghế, nền nhà...
Đặc biệt, khi bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp, việc hắt hơi, ho, nói chuyện sẽ tạo điều kiện cho vi-rút lây lan trực tiếp từ người sang người. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh TCM là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 1.300 trường hợp mắc TCM, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ. Một số địa phương có số ca mắc TCM tăng cao là các quận Thanh Khê (214 ca), Sơn Trà (209 ca), Liên Chiểu (203 ca), Hải Châu (184 ca)...
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trước tình hình trên, ngành y tế đã thành lập các đội cấp cứu, chống dịch lưu động để kịp thời ứng phó tình huống dịch bệnh bùng phát và lan rộng. Đơn vị cũng đã có văn bản gửi các trung tâm quận, huyện phối hợp với phòng giáo dục - đào tạo, các bậc phụ huynh, hộ gia đình, các trường lưu ý vấn đề phòng, chống TCM.
“TCM vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên rất cần sự tham gia tích cực của cả cộng đồng. Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; thực hiện tốt chế độ ăn chín, uống chín; bảo đảm sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Trong trường hợp phát hiện trẻ có các dấu hiệu nêu trên cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất”, bác sĩ Thạnh cho biết.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG