Ô nhiễm không khí - "Kẻ giết người thầm lặng"

.

Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục lọt top 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới, với cảnh báo bụi mịn trong không khí gây hại cho sức khỏe.

Sáng 30-9, Hà Nội tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới trên tổng số 10.000 thành phố được quan trắc của ứng dụng AirVisual (Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới).

Trong bảng xếp hạng cập nhật khoảng 8h30, Hà Nội ở vị trí số 1 với, chỉ số AQI 277 hiển thị màu tím - mức Xấu. Xếp sau Hà Nội lần lượt là Bangkok (Thái Lan) và Hongkong (Trung Quốc)... Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng chất lượng không khí này.

Đến 11 giờ 30, Hà Nội đứng ở vị trí số 1 với chỉ số AQI ở mức 217, chỉ số bụi mịn PM2.5 cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia và 20 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các chuyên gia đã cảnh báo nguy hại của tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn đang bao phủ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời đưa ra khuyến cáo để người dân tự bảo vệ sức khỏe của mình.

Hà Nội tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới. (Ảnh chụp màn hình)
Hà Nội tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới. (Ảnh chụp màn hình)

“Kẻ giết người thầm lặng”

Theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Theo PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp - Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai, ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt đối với những người dễ bị cảm thụ như người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch...

“Hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5micromet, chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng. Khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau”, BS Giáp cảnh báo.

Đốt vàng mã, đốt rơm rạ ảnh hưởng môi trường

WHO cảnh báo, nếu không có biện pháp bảo vệ môi trường, con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả từ bầu không khí kém chất lượng và hậu quả sẽ còn đeo đẳng thế hệ tương lai.

Thói quen đốt vàng mã của người dân, nhất là đốt quá nhiều vào các dịp ngày rằm và mồng 1; việc đốt nhang cũng không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, khu ngoại thành Hà Nội, đang vào vụ thu hoạch người dân lại đốt rơm rạ khiến bầu không khí của thủ đô thêm ngột ngạt và ô nhiễm nặng nề hơn. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch để đun nấu, thay bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ; khi dừng đèn đỏ, hãy tắt máy các phương tiện giao thông…

Các bác sĩ cũng khuyến cáo những người đã mắc bệnh về hô hấp nên hạn chế ra ngoài trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Nếu đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông hoặc bụi từ các công trình xây dựng. Lưu ý, phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn, vì khẩu trang y tế thông thường thì không thể cản được hạt bụi siêu mịn.

Theo VOV.VN

;
;
.
.
.
.
.