Ngành y tế thành phố đang đặt ra nhiều mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) tại tất cả các bệnh viện trên địa bàn. Ngoài việc tập trung nâng cao chuyên môn, mua sắm trang thiết bị, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nhiều công trình y tế cũng được phê duyệt đầu tư nâng cấp, xây mới để đáp ứng nhu cầu.
Đầu tư nhiều công trình y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. TRONG ẢNH: Bệnh nhân được theo dõi, chăm sóc tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Theo Sở Y tế thành phố, trong năm 2019, sở phối hợp với với Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và Phát triển đô thị (gọi tắt là BQL) triển khai hàng loạt các dự án thuộc công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết HĐND thành phố. Theo đó, dự án Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng (giai đoạn 2) được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1907/QĐ-UBND ngày 2-5-2019 với tổng mức đầu tư hơn 292 tỷ đồng. Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1905/QĐ-UBND ngày 2-5-2019 với tổng mức đầu tư hơn 471 tỷ đồng.
Trung tâm được xây dựng tại số 124 Hải Phòng (quận Hải Châu) với quy mô 435 giường nhằm hình thành một trung tâm chuyên sâu phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức năng cho người lớn, trẻ em bị các bệnh lý về thần kinh, chấn thương và bỏng tại Đà Nẵng cũng như các tỉnh lân cận. Ngoài ra, Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng cũng được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2107/QĐ-UBND ngày 13-5-2019 với tổng mức đầu tư hơn 495 tỷ đồng. Đây là những dự án được Nghị quyết HĐND thành phố khóa 9, nhiệm kỳ 2016-2021 thông qua. Theo đó, tổng kinh phí trên đầu tư cho các công trình y tế giai đoạn này khoảng 1.740 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, ngành y tế đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng KCB đến năm 2025 bằng việc giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện, nhất là bệnh viện hạng 1 như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản-Nhi, Bệnh viện Ung bướu với công suất sử dụng giường bệnh đạt khoảng 95%; phấn đấu không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường, bảo đảm không xảy ra quá tải cả ở khu vực phòng khám và khu vực điều trị nội trú; đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ y tế, phù hợp với đặc điểm cung cấp dịch vụ của từng đơn vị và theo phân tuyến kỹ thuật. Để thực hiện mục tiêu trên, ngành y tế sẽ đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng các bệnh viện, trước mắt ưu tiên đối với chuyên khoa về tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi, ung bướu, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, ghép tạng, cấy ghép tế bào gốc và trung tâm y tế quận, huyện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao.
Trong năm 2019, 2 công trình y tế trọng điểm cũng được đưa vào sử dụng, đánh dấu bước phát triển mới của ngành. Đó là Trung tâm Tim mạch-Bệnh viện Đà Nẵng được UBND thành phố phê duyệt năm 2015, tổng mức đầu tư 236 tỷ đồng và Bệnh viện Phục hồi chức năng (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) với tổng mức đầu tư hơn 134 tỷ đồng. “Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với BQL dự án triển khai cùng lúc nhiều công trình như Trung tâm Y tế Hải Châu giai đoạn 2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế dự phòng. Ngoài ra, Sở Y tế cũng làm chủ đầu tư, triển khai cải tạo, nâng cấp 14 trạm y tế phường tại các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà đã được UBND thành phố phê duyệt”, bà Yến cho biết.
Ngày 5-11-2019, UBND thành phố có Báo cáo số 274/BC-UBND về việc triển khai các dự án công trình trọng điểm trong năm 2020. Trong 73 dự án trọng điểm có nhiều dự án y tế như nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng; chuẩn bị đầu tư Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2; chuẩn bị đầu tư Trung tâm Tầm soát ung thư thuộc Bệnh viện Ung bướu... Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở y tế chuyên sâu không những đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố mà còn hỗ trợ KCB cho nhân dân khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG