Thời gian gần đây, một số địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm bệnh bạch hầu, thậm chí gây tử vong. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên và thường gặp ở trẻ nhỏ. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các địa phương đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường triển khai tiêm vắc-xin có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).
Phòng, chống bệnh bạch hầu cho trẻ bằng cách tiêm đầy đủ 3 mũi vắc-xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 trong giai đoạn trước 1 tuổi và tiêm mũi nhắc lại từ 18-24 tháng tuổi. TRONG ẢNH: Tiêm vắc-xin 5 trong 1 cho trẻ em tại quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: PHAN CHUNG |
Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng - nơi trong nhiều năm qua tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhi bị bạch hầu. Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Phó trưởng Khoa Y học nhiệt đới cho biết, trong năm 2019, bệnh viện tiếp nhận, điều trị 11 bệnh nhi bạch hầu, trong đó có 2 bệnh nhi tử vong do phát hiện muộn và biến chứng viêm cơ tim.
“Phần lớn các bệnh nhi là người dân tộc thiểu số không được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh đầy đủ. Khi phát hiện và đưa xuống bệnh viện thì đã quá muộn. Độc tố bạch hầu đã lây lan mạnh gây tắc nghẽn đường thở hoặc viêm cơ tim gây tử vong đột ngột”, bác sĩ Thịnh nói.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, khoa này chưa tiếp nhận trường hợp nào bị bạch hầu như năm trước.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thịnh khuyến cáo, bệnh này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nếu việc tiêm vắc-xin phòng bạch hầu bị gián đoạn hoặc bị bỏ qua. Đây là loại bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu hiệu quả nhất hiện nay đối với trẻ em vẫn là tiêm đầy đủ các loại vắc-xin. “Trong chương trình TCMR quốc gia hiện nay, vắc-xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 đều có thành phần phòng, chống bệnh bạch hầu, được tiêm 3 mũi cho trẻ sơ sinh ở tháng thứ 2, thứ 3 và thứ 4. Ngoài ra, trẻ từ 18-24 tháng tuổi sẽ được tiêm 1 mũi vắc-xin nhắc lại phòng chống bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Nghĩa là trẻ trước 2 tuổi phải có đầy đủ 4 mũi tiêm vắc-xin để phòng bệnh bạch hầu”, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết.
Tuy nhiên, “khoảng trống” trong công tác phòng, chống bệnh bạch hầu hiện nay chính là người lớn. “Đây là loại vi khuẩn mà người lành có thể mang mầm bệnh nhưng lại không có các biểu hiện, triệu chứng. Chỉ khi tiếp xúc với người có kháng thể yếu, trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng thì vi khuẩn này mới phát tán và gây bệnh. Ngoài ra, từ năm 1985 vắc-xin phòng bệnh bạch hầu mới được đưa vào chương trình TCMR quốc gia. Những người sinh trước năm 1985 hoàn toàn không được tiêm vắc-xin phòng bệnh nên dễ hiểu vì sao hiện nay tỷ lệ người lớn mắc bạch hầu khá nhiều. Mọi người có thể đi tiêm phòng bạch hầu dịch vụ, còn chương trình TCMR hiện vẫn chưa áp dụng cho người lớn”, bác sĩ Thạnh cho biết thêm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi đủ 3 liều vắc-xin phòng bệnh bạch hầu với tỷ lệ đạt trên 95%; rà soát và tổ chức tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm đầy đủ 3 mũi dưới 1 tuổi; thực hiện tiêm mũi nhắc lại phòng bạch hầu cho trẻ từ 18-24 tháng.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Đà Nẵng là địa bàn tiếp nhận, thu dung, điều trị các bệnh nhân trong khu vực nên công tác dự phòng, giám sát, phát hiện ca nhiễm sớm cần được chú trọng.
“Hiện nay, ngành y tế đã chỉ đạo CDC Đà Nẵng tăng cường công tác truyền thông, khuyến cáo phòng, chống bệnh bạch hầu để người dân hiểu, chủ động thực hiện, hạn chế tiếp xúc với người nhiễm bệnh; tăng cường hướng dẫn chuyên môn đối với công tác y tế trường học, thực hiện các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Đối với các Trung tâm Y tế quận, huyện cần tăng cường chỉ đạo chuyên môn, tiêm và rà soát những trường hợp chưa tiêm vắc-xin bạch hầu để thực hiện ngay. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cơ sở vật chất, kháng sinh điều trị dự phòng, trang thiết bị, nhân lực… để thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế mức thấp nhất số biến chứng và tử vong”, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng cho biết.
Dấu hiệu bệnh bạch hầu Bệnh bạch hầu mũi trước: Người bệnh sổ mũi, chảy mũi ra chất nhầy, đôi khi lẫn máu, khi khám thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Bệnh bạch hầu họng và amidan: Người bệnh mệt mỏi, đau cổ họng, sốt nhẹ, chán ăn. Tình trạng kéo dài 2-3 ngày thì xuất hiện đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amidan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Một số người bệnh có thể sưng nề vùng dưới hàm, sưng các hạch ở cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Các trường hợp nhiễm độc nặng, người bệnh bơ phờ, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong trong 6-10 ngày. Bệnh bạch hầu thanh quản: Là bệnh có thể tiến triển rất nhanh, nguy hiểm. Người bệnh có biểu hiện sốt, khàn giọng, ho ông ổng. Khám sẽ thấy các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ họng lan xuống. Các giả mạc này nếu không điều trị kịp thời sẽ gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp và dẫn đến nguy cơ tử vong nhanh chóng. Nguồn: Bộ Y tế |
PHAN CHUNG