Người mắc bệnh bạch hầu được điều trị, cách ly như thế nào?

.

Tất cả người nghi mắc bệnh bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính.

Khám sàng lọc cho người dân khu vực có bệnh bạch hầu. Ảnh: TTXVN
Khám sàng lọc cho người dân khu vực có bệnh bạch hầu. Ảnh: TTXVN

Theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu mới nhất của Bộ Y tế, bệnh bạch hầu họng có thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày, không có triệu chứng lâm sàng. Thời kỳ khởi phát, người bệnh thường sốt 37,5-38 độ C, đau họng, khó chịu, mệt, ăn kém, da hơi xanh, sổ mũi một bên hoặc 2 bên có thể lẫn máu. Khi khám họng thấy hơi đỏ, amidan có điểm trắng mờ dạng giả mạc ở một bên; sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau.

Đặc biệt, bạch hầu ác tính có thể xuất hiện sớm, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Bệnh nhận có thể bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, sốt cao 39-40 độ C, giả mạc lan rộng, khắp hầu họng và môi. Hạch cổ sưng to biến dạng dẫn đến hình cổ bạnh, có nhiều biến chứng sớm viêm cơ tim, suy thận và tổn thương thần kinh.

Theo đó, với đặc điểm bệnh rất dễ lây lan, để đảm bảo cách ly phòng dịch, tất cả người bệnh nghi ngờ mắc bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.

Với người tiếp xúc với ca bệnh cần xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày.

Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện rửa tay đúng cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Tại nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.

Người dân có thể phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho cả trẻ em và người lớn, nhất là người trong vùng có dịch.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.